Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả từ trồng cây ăn quả đặc sản

Sơn Tùng| 27/02/2019 07:41

(HNM) - Việc phát triển trồng cây ăn quả đã đem lại nhiều lợi ích cho nông dân: Giá trị kinh tế cao, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái...


Hà Nội có khoảng 10 loại cây ăn quả đặc sản nổi tiếng. Trong đó có nhiều loại cây ăn quả đặc sản đã khẳng định thương hiệu như: Bưởi tôm vàng (huyện Đan Phượng), bưởi đường Quế Dương (huyện Hoài Đức), cam Canh Kim An (huyện Thanh Oai)... Hướng tới phát triển các loại cây ăn quả chất lượng cao, thời gian qua, Hà Nội đã tạo điều kiện giúp người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng trồng, thâm canh và ứng dụng tiến bộ khoa học về trồng cây ăn quả đặc sản. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân, từng bước nâng cao nhận thức trồng cây ăn quả theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP..., tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Hiện nhiều địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong trồng cây ăn quả đặc sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử, huyện Gia Lâm, đã phát triển các vùng trồng cây ăn quả tập trung tại 3 xã Đông Dư, Đa Tốn, Kiêu Kỵ với diện tích hơn 1.312ha cho thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt, có những mô hình cho thu nhập từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ ha/năm tại các xã: Lệ Chi, Kiêu Kỵ...

Huyện Phúc Thọ cũng là một trong những địa phương của Hà Nội tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trọng tâm là phát triển cây ăn quả đặc sản gắn với việc bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, thu hút phát triển du lịch sinh thái. Đến nay, toàn huyện đã mở rộng diện tích trồng cây ăn quả được 885ha chủ yếu là cây có múi như cam Canh, bưởi Diễn cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/ ha/năm. Ông Hoàng Văn Khánh ở cụm 2, xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ) chia sẻ: "Trồng cây ăn quả đặc sản, nhất là trồng cây bưởi, nông dân rất ít khi phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, mà đa phần là sử dụng phân hữu cơ được tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp hoặc từ đậu tương ngâm ủ… nên môi trường trong lành. Hơn nữa, trồng cây ăn quả làm cho làng quê đẹp hơn, nên rất nhiều du khách đã đến tham quan các vườn trồng cây ăn quả của xã Vân Hà".

Việc phát triển trồng cây ăn quả đặc sản, không những nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn giải quyết được tình trạng ruộng đồng bị bỏ hoang do thiếu nước tưới ở các xã, thị trấn ven đô thuộc huyện Đông Anh, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức... Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Mai Lan, đến nay, toàn huyện đã trồng hàng chục héc ta cây ăn quả đặc sản trên diện tích đất nông nghiệp gặp khó khăn về nước tưới như vùng trồng nhãn chín muộn ở xã An Thượng, Đông La, Song Phương, vùng trồng bưởi đường tại xã Đông La, Cát Quế, vùng trồng phật Thủ ở xã Yên Sở, Đắc Sở...

Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đến nay, diện tích trồng cây ăn quả đặc sản của TP Hà Nội là hơn 17.000ha chủ yếu là: Bưởi, cam, nhãn, chuối. Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ tăng ít nhất từ 300 đến 800ha trồng cây ăn quả đặc sản. Theo đó, trong định hướng, thành phố chỉ đạo sẽ chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả do gặp khó khăn về nguồn nước tưới, giao thông, thủy lợi sang trồng cây ăn quả theo hướng đặc sản, gắn với phát triển du lịch sinh thái. "Để cây ăn quả đặc sản đem tới nhiều lợi ích hơn nữa, Hà Nội đặc biệt coi trọng khâu chất lượng giống tốt, giống cây ăn quả trồng ở các vùng tập trung đều là giống đầu dòng, được các đơn vị uy tín cung ứng. Mặt khác ngành Nông nghiệp đầu tư mạnh cho tập huấn khoa học, kỹ thuật trồng và chăm sóc, bảo đảm cây cho quả tốt về chất lượng, đẹp về mẫu mã. Từ đó tìm các biện pháp xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm" - ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ trồng cây ăn quả đặc sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.