(HNM) - Hà Nội bắt tay vào thực hiện Đề án 30 trong thời điểm có nhiều khó khăn do mới mở rộng địa bàn và khối lượng thủ tục hành chính (TTHC) "khổng lồ", song thành phố đã hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng cả 2 giai đoạn (thống kê và rà soát TTHC).
Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với cách triển khai bài bản, chặt chẽ và đặc biệt là không ngại đấu tranh để thu được kết quả tốt nhất, góp phần vào sự nghiệp cải cách hành chính (CCHC) của Thủ đô và sự thành công của Đề án 30.
Các thành viên của tổ Đề án 30 TP Hà Nội trao đổi về công tác rà soát TTHC. Ảnh: Bảo Kha |
Triển khai nghiêm túc, sáng tạo
UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản đối với các quận, huyện, thị xã, sở, ngành để thực hiện các nội dung của Đề án 30. Mỗi đơn vị cũng sớm hình thành Tổ công tác thực hiện Đề án 30 (TCT 30) để thực hiện nhiệm vụ. Có thể nói, một trong những cách làm hiệu quả của Hà Nội là tiến hành làm điểm. Trong giai đoạn thống kê, thành phố đã chọn các đơn vị làm điểm cấp huyện, cấp xã là: Tây Hồ, Sơn Tây, Thạch Thất, Đông Anh, Thanh Trì, Mỹ Đình (Từ Liêm), Cần Kiệm (Thạch Thất), Trung Hòa (Cầu Giấy), Nam Hồng (Đông Anh), Hàng Mã (Hoàn Kiếm) để có bộ TTHC ban đầu gửi tới các đơn vị cấp huyện, cấp xã rà soát, đối chiếu và gửi các sở, ngành lấy ý kiến thẩm định trước khi trình Chủ tịch UBND TP quyết định công bố ban hành. Trong giai đoạn 2, có 3 đơn vị làm điểm cấp quận, huyện là: quận Ba Đình, quận Hoàng Mai, huyện Quốc Oai và 3 đơn vị làm điểm cấp phường, xã là phường Kim Mã (quận Ba Đình), phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) và xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai). Việc làm điểm cho thấy sự chỉ đạo tập trung. Trước khi triển khai đồng loạt, TCT 30 đã tổ chức tập huấn cho lãnh đạo và cán bộ thực hiện nhiệm vụ thống kê TTHC ở tất cả các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường; phân công từng nhóm cán bộ đến 20 đơn vị sở, ngành và các đơn vị làm điểm cấp huyện, cấp xã để tập huấn, hướng dẫn rà soát TTHC. Đồng thời, trong quá trình triển khai, TCT 30 đã tổ chức các đợt kiểm tra thường xuyên và đột xuất, chấn chỉnh kịp thời sai sót của các đơn vị. Ông Mai Thiện Thành, Phó Trưởng phòng Nội chính UBND TP Hà Nội, thành viên kiêm nhiệm TCT 30 cho biết, với cách làm sát sao đó, TCT 30 đã từng bước giúp các đơn vị nâng cao nhận thức về CCHC, thực hiện nghiêm túc các quy trình, góp phần vào sự thành công trong từng giai đoạn.
Cách làm quyết liệt
Trong giai đoạn 2, TCT 30 đã tổ chức các hội thảo chuyên môn về nhóm các TTHC ưu tiên tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, quận Ba Đình và tổ chức 33 buổi hội thảo theo từng lĩnh vực chuyên môn đối với 23 đơn vị sở, ngành, quận, huyện, phường, xã chọn làm điểm. Sau hội thảo, các đơn vị tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh phương án đơn giản hóa TTHC của đơn vị mình. UBND TP Hà Nội đã trưng tập mỗi đơn vị 2 cán bộ, mời các chuyên gia phản biện tham gia rà soát TTHC. Theo ông Phùng Văn Thiệp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Tổ phó Thường trực TCT 30: "Trong các buổi hội thảo đã có sự thảo luận, tranh luận, đấu tranh để đi đến kết quả đơn giản TTHC hợp lý nhất. Khi kiểm tra tại các đơn vị, thành viên TCT 30 thẳng thắn yêu cầu lãnh đạo đơn vị chủ động vào cuộc; chỉ ra những lỗi sai và kiên quyết yêu cầu làm lại. Do vậy, không ít đơn vị lúc đầu còn lơ là nhưng sau đó đã nhận thức đúng đắn và có chuyển biến rõ rệt". Thực tế cho thấy, sau mỗi lần "tranh luận", các đơn vị đều nhận thấy được những điểm bất hợp lý, sự rườm rà trong nhiều TTHC và tỷ lệ kiến nghị đơn giản hóa của các đơn vị lại tăng lên (Sở GTVT lúc đầu kiến nghị đơn giản 30,3%, sau tăng lên 43,3%; Sở Ngoại vụ từ 30% tăng lên 40%...).
Đổi mới từ nhận thức
Nhận thức rõ ý nghĩa của Đề án 30 nên UBND TP Hà Nội đã bố trí đầy đủ cơ sở vật chất cho TCT 30 làm việc. Hai năm qua, thành phố đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên môn… Các hoạt động thực hiện Đề án 30 đều được thông tin trên Cổng giao tiếp điện tử của Hà Nội (www.hanoi.gov.vn,), trong đó có chuyên mục về TTHC, có liên kết với trang web của các sở, ban, ngành. Văn phòng UBND TP Hà Nội đã hỗ trợ thực hiện các nội dung liên quan CNTT, cử cán bộ trực tiếp tham gia TCT 30 để bảo đảm mạng và hệ thống máy tính hoạt động liên tục, hiệu quả. Kết quả bước đầu sau khi Hà Nội hoàn tất 2 giai đoạn của Đề án 30 cho thấy, người dân và doanh nghiệp đã gặp thuận lợi hơn khi đến giao dịch với các cơ quan hành chính nhà nước, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, tạo sự bình đẳng trong việc thực hiện TTHC.
Ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, Tổ trưởng TCT 30 cho biết, năm 2010, thành phố tiếp tục xác định cải cách TTHC là khâu đột phá, do vậy sẽ duy trì kiểm tra thường xuyên, đột xuất công tác triển khai Đề án 30 cũng như tình hình thực hiện giải quyết TTHC tại các đơn vị; coi cải cách TTHC là tiêu chí để đánh giá thi đua. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung cải cách, đơn giản hóa TTHC thuộc lĩnh vực thu hút đầu tư, quản lý đất đai và phát triển kinh tế để bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng của thành phố đạt 10% trong năm 2010.
- Giai đoạn 1: Thành phố đã thống nhất ban hành, công bố 1.811 TTHC được thực hiện trên địa bàn. Trong đó có: 1.360 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành; 296 thủ tục cấp huyện; 155 thủ tục cấp xã. - Giai đoạn 2: Hà Nội đã hoàn thành rà soát 1.816 TTHC; kiến nghị giữ nguyên 524 TTHC; hủy bỏ 146 TTHC; sửa đổi, bổ sung 1.101 TTHC; thay thế 45 TTHC, tỷ lệ đơn giản hóa đạt 71,2% (vượt hơn 2 lần chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% TTHC theo yêu cầu của Thủ tướng). Trong đó, có nhiều đơn vị đạt tỷ lệ đơn giản hóa từ 80% trở lên như: Thanh tra thành phố; Sở Tư pháp; Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Sở VH,TT&DL; quận Ba Đình (96%); phường Kim Mã (100%)… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.