(HNM) - Nhiều năm qua, Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh (phường Định Công, quận Hoàng Mai) là đơn vị đi đầu trong việc thiết lập chuỗi liên kết với nông dân trong sản xuất, chế biến và phân phối lúa gạo. Tại Hà Nội, công ty đã liên kết với nông dân ở một số xã của huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức..., giúp người dân sản xuất bền vững, hiệu quả hơn.
Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) là một trong những đơn vị tiên phong trong canh tác hữu cơ. Những năm gần đây, hợp tác xã đã bắt tay với Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh (Công ty Bảo Minh) để phát triển vùng trồng lúa hữu cơ. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt cho biết, thành viên hợp tác xã được doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật canh tác, giống tiên tiến, phân bón và quy trình sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ mà Bộ NN&PTNT ban hành. Lúa thu hoạch được Công ty Bảo Minh thu mua tại ruộng với mức giá cao hơn lúa thông thường, ổn định. Đặc biệt, từ khi nông dân Đồng Phú chuyển hướng sang canh tác hữu cơ có sự đồng hành của Bảo Minh, không chỉ hạt gạo nâng tầm về thương hiệu, chất lượng, giá trị, mà chất lượng cuộc sống của người dân cũng tăng lên, môi trường thân thiện, bình yên, trong lành khác hẳn so với trước đây.
Tổng Giám đốc Công ty Bảo Minh Bùi Thị Hạnh Hiếu cho hay, từ năm 1995 đến nay, công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, phân phối nông sản. Hiện tại, công ty đang liên kết với nhiều địa phương trong cả nước để xây dựng các vùng nguyên liệu hữu cơ phục vụ chế biến sâu và đưa sản phẩm ra thị trường. Ước tính, diện tích công ty đang liên kết với nông dân trong sản xuất lúa gạo khoảng 20.000ha, trải dài trên địa bàn 20 tỉnh, thành phố. Riêng tại Hà Nội, Bảo Minh đang liên kết với nông dân ở các địa phương: Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), Tam Hưng (huyện Thanh Oai) và Tuy Lai, Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức) trong sản xuất, tiêu thụ lúa, quy mô mỗi huyện từ 50ha đến hơn 100ha.
Công ty Bảo Minh đã xây dựng được liên kết bền chặt 7 nhà: Nhà nước thông qua việc tạo điều kiện về vùng trồng; nhà khoa học giúp cho giải pháp về phân bón, giống, cây trồng, kỹ thuật; nhà tổ chức sản xuất là Bảo Minh; nhà nông là các nông dân hợp tác xã trồng theo quy trình; nhà bán lẻ; nhà bank (ngân hàng) và nhà báo có vai trò đặc biệt trong truyền thông lan tỏa sản phẩm. Đặc biệt, Bảo Minh đã thành lập Hội đồng khoa học là các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ, định hướng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nông dân. Từng phần diện tích ruộng đồng của hộ dân trồng lúa trong chuỗi liên kết của Bảo Minh đều được mã hóa; có tem nhãn vùng trồng, giúp khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc của hạt gạo. Tất cả vùng trồng trong chuỗi liên kết của Bảo Minh đều có chuyên viên, cán bộ kỹ thuật giám sát, hỗ trợ bà con để bảo đảm chất lượng sản phẩm…
Hiện, Bảo Minh đã phát triển được sản phẩm gạo ở 3 vùng trọng điểm, là: Tây Bắc, Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Các giống lúa bản địa quý được gìn giữ và phát triển ở nhiều phân khúc, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng. Dòng gạo cao cấp có gạo lứt huyết rồng, nếp Tú Lệ, tấm Thái đỏ, nếp cái hoa vàng…; gạo chất lượng cao có nếp nương Điện Biên, tám thơm Hải Hậu, tám thơm Thái Lan sữa...; nhóm sản phẩm thông dụng như xi dẻo Hà Bắc. Các sản phẩm đã được phân phối tại nhiều kênh: Siêu thị lớn, trung tâm thương mại, tạp hóa, siêu thị mi ni, nhà hàng, khách sạn, hệ thống phân phối Bảo Minh mart và xuất khẩu.
Ngoài lúa gạo là chủ lực, công ty còn phát triển chế biến các loại hạt, trà, mứt…, đưa đặc sản vùng miền về Hà Nội phân phối. Hệ thống phân phối Bảo Minh mart hiện có gần 100 mã hàng, trong đó có khoảng 40 mã do đơn vị tự sản xuất như gạo, bánh mứt, trà… Bảo Minh đặt mục tiêu thiết lập mạng lưới chuỗi giá trị nông nghiệp sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn, nhằm cung cấp những bữa ăn an toàn cho người Việt. Đồng thời, tiếp tục bảo tồn, phát huy và kinh doanh các loại lúa gạo đặc sản, hạn chế sự mai một của các giống lúa quý và gia tăng nguồn thu kinh tế cho địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.