(HNM) - Những năm qua, bộ giống lúa Japonica (Nhật Bản) với các loại phổ biến như: J02, J01, ĐS1, VAAS 16, Lộc trời 64… được nông dân trên địa bàn Hà Nội sản xuất đại trà và cho hiệu quả rõ rệt. Từ đó, nâng tỷ lệ lúa hàng hóa chất lượng cao của thành phố đạt trên 60% tổng diện tích gieo trồng.
Tại xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa), những năm gần đây, giống lúa Nhật J02 đã được đưa vào sản xuất đại trà theo hướng VietGAP. Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn Nguyễn Sỹ Tuấn cho biết, năm 2016, lần đầu tiên UBND huyện Ứng Hòa chỉ đạo đưa giống lúa Nhật vào sản xuất tại địa phương với diện tích 38,4ha. Qua thực tiễn cho thấy, J02 có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha, chất lượng gạo thơm ngon. Hiện, đa số nông hộ trên địa bàn Hoa Sơn chuyển hẳn sang canh tác J02.
Thông tin về giống lúa Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết, từ chỗ chỉ canh tác thử nghiệm trên diện tích gần 100ha, đến nay, Ứng Hòa đã có hơn 4.000ha trồng giống lúa Japonica theo hướng VietGAP và hữu cơ.
Tương tự, tại huyện Chương Mỹ, ông Lê Văn Mật, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú cho biết, 5 năm trở lại đây, gia đình ông gieo cấy 1ha lúa Japonica/vụ và đã được doanh nghiệp thu mua lúa tươi tại ruộng; trừ chi phí, thu lãi từ 16 triệu đồng/ha/vụ trở lên nên gia đình ông Mật yên tâm sản xuất...
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, chỉ tính riêng trong năm 2021, Trung tâm đã triển khai xây dựng được 25 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn tại 22 xã thuộc 10 huyện trên địa bàn thành phố với tổng diện tích 1.370ha. Trong đó: 60ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, 600ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 705ha sản xuất lúa an toàn, 5ha lúa thảo dược. Hiệu quả kinh tế sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao cao hơn so với lúa Khang dân 18 từ 10,3 triệu đồng đến 43 triệu đồng/ha/vụ.
Bên cạnh công tác phát triển sản xuất, Trung tâm đặc biệt chú trọng đến xây dựng nhãn hiệu tập thể gạo chất lượng cao cho các địa phương trên địa bàn thành phố nhằm khẳng định thương hiệu gạo chất lượng cao của Hà Nội. Từ năm 2020-2021, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng được 3 nhãn hiệu tập thể gạo Japonica và gạo chất lượng cao cho 3 xã thuộc 3 huyện là: Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến - Chương Mỹ, Gạo Japonica Mỹ Thành - Mỹ Đức, Gạo chất lượng cao Bình Minh - Thanh Oai.
Khẳng định hiệu quả của giống lúa Nhật Bản, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, diện tích lúa Japonica của thành phố đã tăng gấp 2,55 lần so với năm 2018 (năm 2018 là 3.651ha, năm 2020 là 9.310ha, năm 2021 là hơn 10.000ha). Kết quả phát triển sản xuất lúa Japonica nói riêng và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu nói chung đã góp phần đưa cơ cấu giống lúa chất lượng cao của Hà Nội năm 2020 đạt 54,7%, năm 2021 đạt 60,9%.
Đáng ghi nhận, việc đẩy mạnh sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho Thủ đô; nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức của người dân Thủ đô về phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, VietGAP, hữu cơ, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế. Ngoài ra, việc sản xuất lúa Nhật còn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nông dân về sử dụng đất, nước; giảm dùng phân bón hóa học, hóa chất, bảo tồn nguồn thiên địch, cân bằng hệ sinh thái...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.