(HNM) - 20 năm qua, Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị do Trung tâm Khuyến nông quốc gia thành lập đã hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy xây dựng một nền nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) có nhiều đóng góp quan trọng. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương đã trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này.
- Có thể nói, thời gian qua, Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng một nền nông nghiệp đô thị hiện đại. Bà có thể cho biết rõ hơn về hoạt động của Câu lạc bộ cũng như của khuyến nông Hà Nội?
- Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị do Trung tâm Khuyến nông quốc gia thành lập từ năm 2001, là một tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện với mục đích xây dựng hạt nhân tiêu biểu về hoạt động khuyến nông đô thị, qua đó đóng góp những kinh nghiệm thực tiễn cho việc phát triển nông nghiệp đô thị.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Sở NN&PTNT các địa phương, Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị ngày càng lớn mạnh. Từ chỗ chỉ có 3 thành viên sáng lập gồm Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông - lâm - ngư Thừa Thiên Huế và Trung tâm Khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, câu lạc bộ đã có 23 thành viên là Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp của 23 tỉnh, thành phố.
Câu lạc bộ đã tổ chức tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm tại nhiều mô hình tiêu biểu ở các tỉnh, thành phố. Các mô hình tại Hà Nội như: Sản xuất rau theo hướng hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm tại trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất), sản xuất rau của Hợp tác xã Rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng) được đánh giá cao. Thông qua việc tổ chức hội thảo chuyên đề, tham quan học tập đã có rất nhiều kinh nghiệm hay trong hoạt động nông nghiệp đô thị được nhân rộng tại các địa phương.
Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các địa phương đã kết nối các hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất nông sản an toàn với các đơn vị tiêu thụ để tạo ra số lượng sản phẩm hàng hóa đủ lớn, bảo đảm chất lượng cho thị trường...
- Được biết, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã đi đầu trong việc kết nối thông tin, tuyên truyền trong câu lạc bộ. Bà có thể cho biết chi tiết hơn về nội dung này?
- Cùng với việc đẩy mạnh thông tin về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hoạt động tuyên truyền về các mô hình khuyến nông đô thị của địa phương được các thành viên câu lạc bộ đặc biệt chú trọng. Trên trang web của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội liên tục đăng tải các bài viết bám sát định hướng của ngành và địa phương như: Sản xuất hiệu quả, an toàn, bền vững; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…
Thông qua các bài viết trên trang web, các thành viên giới thiệu những mô hình khuyến nông đô thị có hiệu quả tại mỗi địa phương. Đây cũng là kênh thông tin giúp cán bộ khuyến nông kịp thời cập nhật những kinh nghiệm hay ở các địa phương để phổ biến cho người sản xuất, qua đó đem lại hiệu quả kinh tế cao.
- Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị nói chung và khuyến nông đô thị Hà Nội nói riêng còn những khó khăn, bất cập nào cần tháo gỡ, thưa bà?
- Hệ thống khuyến nông hiện nay thiếu về nhân lực, nhất là cán bộ khuyến nông cấp cơ sở am hiểu sâu về nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao; lĩnh vực hoa - cây cảnh, cá cảnh; chế biến, bảo quản nông sản... Mặt khác, định mức kinh tế kỹ thuật cho cây trồng, vật nuôi, nhất là áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp đô thị chậm cập nhật và ban hành. Cơ chế tài chính áp dụng trong công tác khuyến nông của các tỉnh, thành phố còn nhiều hạn chế; kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến nông chưa tương xứng với nhu cầu thực tế. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, nguồn kinh phí từ các dự án khuyến nông trung ương giảm nhiều.
Bên cạnh đó, mô hình nông nghiệp đô thị như trồng hoa lan, nuôi cá cảnh..., mô hình ứng dụng công nghệ mới... đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, vốn đầu tư nhiều nhưng chậm thu hồi vốn nên tốc độ phát triển chậm cả về quy mô sản xuất và số hộ tham gia thực hiện.
Do vậy, hoạt động khuyến nông chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các nhóm đối tượng khác nhau. Những hoạt động mang tính chất mô hình tổng hợp, gắn trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến với xúc tiến thị trường, du lịch sinh thái… chưa được thực hiện; việc liên kết trong tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo...
Đề nghị Trung ương cũng như các địa phương tăng nguồn kinh phí hỗ trợ cho Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các tỉnh, thành phố xây dựng mô hình khuyến nông đô thị gắn với công nghệ cao; các chương trình, dự án khuyến nông có quy mô lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi; các mô hình mới gắn với nông nghiệp đô thị, mô hình ứng dụng công nghệ 4.0... nhất là đối với Hà Nội.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.