Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiểu đúng về lò vi sóng

Ngọc Hân| 16/08/2021 08:59

(HNNN) - Lò vi sóng là vật dụng phổ biến, đang được sử dụng rộng rãi tại các hộ gia đình. Dù lợi ích rất rõ ràng, nhưng hiện vẫn có thông tin cho rằng sử dụng lò vi sóng để hâm nóng thức ăn sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Thậm chí, xuất hiện thông tin cho rằng sử dụng lò vi sóng có thể gây ung thư. Thực tế, lò vi sóng không có hại, nếu biết cách sử dụng thì đó còn là “cánh tay đắc lực” của các bà nội trợ.

Nếu sử dụng đúng cách thì lò vi sóng chính là “cánh tay đắc lực” của các bà nội trợ.

Người tán dương, người cẩn trọng

Theo lời chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy), từ khi chị sắm được chiếc lò vi sóng, gia đình đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc nấu nướng. “Tôi và chồng đều làm văn phòng, lại có 2 con nhỏ, mỗi chiều tan ca xong là phải tranh thủ chia nhau đón con ở 2 địa điểm khác nhau nên ít thời gian dành cho việc đi chợ, nấu nướng. Từ ngày có lò vi sóng, tôi chỉ việc đi chợ mỗi tuần một lần, khi nấu ăn chỉ việc cho thức ăn đông lạnh vào lò vi sóng rã đông, rồi mang ra xào nấu. Lò vi sóng rất tiện cho việc hâm nóng đồ ăn. Đồ ăn thừa chỉ cần bỏ vào lò vi sóng, nhấn nút là một phút sau đã có món nóng, ngon như mới nấu”, chị Tuyết chia sẻ.

Cũng là một người nội trợ “phát cuồng” vì công dụng của lò vi sóng, chị Nguyễn Ngọc Vy (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) cho biết, không chỉ có chức năng hâm nóng thức ăn, lò vi sóng còn được sử dụng để nấu cơm, làm bánh, làm các món nướng, hấp vừa tiện vừa tiết kiệm thời gian. Khi con đến tuổi ăn bột, chị Vy cũng dùng lò vi sóng để hâm sữa, bột cho con ăn hằng ngày. Vì thế, gia đình chị coi lò vi sóng là vật dụng cần thiết và không thể thiếu trong gia đình.

Tuy nhiên, không phải ai cũng “hâm mộ” lò vi sóng như vậy. Chị Nguyễn Ngọc Bích (Thụy Khuê, Hà Nội) cho biết, gia đình chị hai năm nay không dùng đến lò vi sóng vì sợ hâm nóng thức ăn hay sử dụng lò vi sóng để nấu ăn sẽ gây ung thư. Chị Bích cho biết, sau khi nghe được thông tin chia sẻ từ một người bạn rằng thức ăn nấu từ lò vi sóng sẽ bị biến đổi chất, gây bệnh ung thư thì từ đó gia đình chị không bao giờ sử dụng lò vi sóng nữa.

Không riêng gì chị Ngọc, nhiều người nội trợ cũng băn khoăn đặt câu hỏi rằng sử dụng lò vi sóng có an toàn không, thức ăn nấu chín bằng “vi sóng” có bị mất chất dinh dưỡng hoặc biến đổi cấu trúc, gây hại cho sức khỏe hay không?

Trước những băn khoăn của người dùng, ông Lê Xuân Thê, nguyên giảng viên khoa Vật lý, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội, khẳng định: Cơ chế hoạt động của lò vi sóng bao gồm một máy phát sóng siêu cao tần (tần số 2.450Mhz) hay còn gọi là sóng vi ba - sóng cực ngắn (bước sóng 12cm). Các sóng này được tạo nên trong điện trường (cỡ 2.000V) và từ trường vuông góc với nhau, hay được gọi là phóng điện “điện tử quay” Cycloit. Với tần số siêu cao tần như thế khi vi sóng đi vào thực phẩm, các phân tử nước sẽ dao động rất nhanh, rất mạnh và chuyển thành dao động nhiệt và làm nóng thức ăn (như khi ta đun sôi nước). Đặc biệt, những bước sóng này chỉ tác động với nước ở dạng lỏng, còn đối với chất đường, chất béo... trong thức ăn thì không ảnh hưởng gì. Hơn nữa, vỏ của lò vi sóng được cấu tạo bằng kim loại đã tạo nên “lồng Faraday” ngăn không cho sóng lọt ra ngoài, cho nên không gây hại gì cho sức khỏe con người.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Michael Schnepf (Đại học bang Indiana, Mỹ) cũng khẳng định, rau củ nấu bằng lò vi sóng thực chất giữ được nhiều vitamin hơn các cách nấu truyền thống, vì lò vi sóng nấu thực phẩm đến cùng mức độ chín nhưng trong thời gian ngắn hơn. Nấu bằng lò vi sóng, khả năng biến đổi chất của thực phẩm là không đáng kể; thực phẩm được nấu chín đều, chín từ trong tâm của khối thực phẩm, và quan trọng là không tạo ra chất độc.

Cần sử dụng đúng cách

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tiện lợi, lò vi sóng cũng có thể gây những mối nguy hại nếu không biết sử dụng đúng cách. Nhiều bà mẹ “bỉm sữa” thường có thói quen trữ sữa mẹ, bột ăn dặm cho bé trong ngăn đá, khi cần dùng thì lấy ra hâm nóng trong lò vi sóng cho trẻ sử dụng. Tuy nhiên, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo, sữa mẹ và sữa công thức nên rã đông và hâm nóng trong nồi trên bếp hoặc sử dụng nước nóng để làm ấm bởi chế độ làm nóng thực phẩm của lò vi sóng không đồng đều, dẫn đến bình sữa có những điểm nóng, làm bỏng miệng và cổ họng của bé. Một loại thực phẩm khác cũng hay được nhiều người hâm nóng bằng lò vi sóng, đó là thịt chế biến sẵn. Tuy nhiên, thịt chế biến thường chứa chất bảo quản để kéo dài thời hạn sử dụng. Việc “quay” thực phẩm đó trong lò vi sóng sẽ làm cho những chất đó biến đổi, ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn (Trung tâm Khám tư vấn, phục hồi dinh dưỡng & kiểm soát béo phì, Viện Dinh dưỡng Quốc gia), để tận dụng các tiện lợi do lò vi sóng mang lại nhưng không để ảnh hưởng đến sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài, người tiêu dùng nên lưu ý chọn chế độ phù hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chỉ sử dụng vật dụng an toàn và được phép dùng cho lò vi sóng, không nên dùng đồ đựng thức ăn bằng nhựa để cho vào lò vi sóng; không được cho vào lò vi sóng các vật dụng bằng kim loại vì sóng vi ba bên trong lò vi sóng sẽ dội lại các thành kim loại bên trong lò, lệch ra khỏi thực phẩm, có thể phá hỏng nội thất của lò.

Hơn nữa, kim loại ở nhiệt độ cao có thể phát ra các tia lửa điện. Thậm chí, những loại thủy tinh hay sứ có tráng một lớp kim loại mỏng cũng không nên sử dụng cho lò vi sóng. Bên cạnh đó, chúng ta cần chọn thời gian thích hợp với từng loại thực phẩm. Thực phẩm ít thì để chế độ thời gian ngắn; thực phẩm nhiều thì để chế độ thời gian dài hơn, qua đó tránh việc làm cho thực phẩm quá nóng hoặc quá nguội. Khi thực hiện tốt các điều nói trên, chúng ta vừa tiết kiệm được thời gian vừa giữ được tối đa giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.

Đặc biệt, theo nguyên tắc an toàn, lò vi sóng là phải kín để không lọt sóng ra ngoài nên Cơ quan Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng lò vi sóng khi cửa hỏng, cong vênh, không để cửa mở khi lò vi sóng hoạt động. Cơ quan này cũng khuyến cáo, người tiêu dùng không được đứng sát lò vi sóng, không để trẻ em sử dụng lò vi sóng. Theo ông Lê Xuân Thê: “Bản chất sóng vi ba không nguy hiểm. Nhưng nếu nhiễm với mức độ cao thì sẽ gây tổn thương”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiểu đúng về lò vi sóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.