(HNM) - Ngày 1-7, Bộ Công Thương phối hợp với Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức “Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu: Cơ hội cho các doanh nghiệp”.
Các đại biểu khẳng định, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có tính toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả hai bên: Việt Nam và EU.
Cam kết thực hiện có hiệu quả
Chủ trì đối thoại, đánh giá cao thành công của EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: EVFTA không chỉ nâng cao kim ngạch xuất - nhập khẩu và thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước thành viên EU, mà còn tạo điều kiện tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.
Cùng với EVFTA, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) cũng đã được ký kết, giúp khẳng định mạnh mẽ vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Ngay khi EVFTA và EVIPA được thực thi, những cam kết đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định EVIPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch. Nhờ vậy, Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết: “Hiện thuế suất thuế xuất khẩu hàng dệt may sang EU bình quân là 9,6%, nhưng khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất sẽ giảm dần về 0% trong vòng 7 năm. Vì thế, ngành Dệt may kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng trưởng cao. Doanh nghiệp chúng tôi đã lên kế hoạch liên kết các chuỗi cung ứng trong nước để sản xuất từ sợi trở đi, nhằm tận dụng các lợi thế trong hiệp định, nhất là chứng minh quy tắc xuất xứ”.
Bà Cecilia Malmstrom - Cao ủy Thương mại EU khẳng định, Việt Nam và Liên minh châu Âu cam kết thực hiện có hiệu quả Hiệp định EVFTA và EVIPA, đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để bảo đảm cả hai bên tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ theo các hiệp định này.
Biến thách thức thành giải pháp
Như các hiệp định thương mại tự do khác, EVFTA sẽ kéo theo những thách thức nhất định đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trước hết Việt Nam phải cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU. Trước áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu đến từ các nước có lợi thế hơn, trình độ phát triển cao hơn, một số ngành có thể bị thu hẹp sản xuất. Đặc biệt, những doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế về quy mô, nguồn lực, trình độ công nghệ sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ sự cạnh tranh này.
Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn khai thác tốt hiệp định này cần chủ động nghiên cứu, nắm bắt và tiếp cận một cách đầy đủ, toàn diện các nội dung của EVFTA và EVIPA mà hai bên ký kết. Bởi, EVFTA có những quy định chặt chẽ về thủ tục đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững...
Theo ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, mặc dù đã có những bước đi tích cực, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm nhằm giải quyết những băn khoăn của các thành viên Nghị viện châu Âu về một số vấn đề như quyền lao động và xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, thách thức với doanh nghiệp Việt Nam tương đối lớn. Qua khảo sát của VCCI, có tới 70% doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, chưa biết thông tin, hoặc chưa quan tâm EVFTA. Do vậy, EVFTA cần được diễn đạt một cách đơn giản, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, ngành hàng một cách cụ thể từng khung thuế suất…
Để hiện thực hóa cơ hội từ việc thực thi EVFTA và EVIPA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, cùng với những giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chính sách đầu tư, kinh doanh, nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao sức cạnh tranh, gia nhập thị trường châu Âu một cách nhanh chóng, thuận lợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.