Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiện thực hóa khát vọng khởi nghiệp

Bắc Vũ| 09/01/2021 06:05

(HNM) - Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, kết quả nổi bật là đã làm thay đổi nhận thức, cách tiếp cận của các nhà trường và học sinh, sinh viên về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Phần lớn các cơ sở giáo dục và đào tạo đã xác định việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên là một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tạo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Về phần mình, học sinh, sinh viên được trang bị những kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đặc biệt, việc thúc đẩy khởi nghiệp còn tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên một cách hiệu quả. Đây chính là “chìa khóa” mở ra con đường lập nghiệp cho giới trẻ, đáp ứng xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Do đó, để phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, các nhà trường cần xác định rõ vai trò là nguồn “cung” tài năng (doanh nhân, nhà quản lý, nhà khoa học) và công nghệ, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm; đồng thời, có giải pháp phát hiện, bồi dưỡng sinh viên có thiên hướng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Từng nhà trường cần xây dựng hệ thống hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp toàn diện, tạo dựng cho được một hệ sinh thái khởi nghiệp đủ mạnh; nâng cao hiệu quả hỗ trợ, tư vấn học sinh, sinh viên phát triển các ý tưởng thành sản phẩm phục vụ cuộc sống, trở thành hàng hóa mang lại lợi nhuận.

Bên cạnh việc xây dựng và phát triển các không gian khởi nghiệp, các trường tăng cường phối hợp với doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm tại doanh nghiệp; xây dựng dự án khởi nghiệp theo yêu cầu, đặt hàng của doanh nghiệp nhằm tạo môi trường, động lực, khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia hoạt động khởi nghiệp. Ngược lại, các doanh nghiệp cần có cơ chế hỗ trợ đối với các cơ sở đào tạo xây dựng môi trường khởi nghiệp và hỗ trợ học sinh, sinh viên để thương mại hóa các sản phẩm đổi mới sáng tạo.

Nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, ngành Giáo dục chú trọng xây dựng các bộ tài liệu mang tính thực tiễn để nhân rộng kinh nghiệm khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Đồng thời, tiếp tục làm cầu nối, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ngành chức năng để triển khai các đề án lớn, như: Trung tâm khởi nghiệp quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, từ đó tạo thêm nhiều cơ hội cho học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, nắm bắt và tận dụng được lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện mạng lưới cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo. Trong Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11-3-2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, có một điểm rất đáng chú ý là có quy định về việc thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đây là một nguồn lực có thể hỗ trợ thành lập doanh nghiệp dựa trên ý tưởng khởi nghiệp, sáng  tạo của học sinh, sinh viên.

Và trên hết, vấn đề cốt lõi để Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đi vào thực chất là học sinh, sinh viên phải thực sự có khát vọng và tư duy khởi nghiệp. Một khi có tư duy khởi nghiệp tốt mới tạo ra những ý tưởng, dự án mang tính đột phá, khả thi và hơn hết là thu hút nhà đầu tư để hiện thực hóa vào cuộc sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiện thực hóa khát vọng khởi nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.