Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiện thực hóa kế hoạch đến Olympic

Mai Hoa| 01/12/2015 06:41

(HNM) -

Tay vợt Phạm Như Thảo.



- Thể thao Việt Nam đang phối hợp cùng các địa phương tăng cường cho VĐV đi thi đấu các giải tuyển chọn tham dự Olympic Rio 2016. Với cầu lông Hà Nội thì sao, thưa bà?

- Cặp VĐV Như Thảo - Tuấn Đức đang được Hà Nội xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho Olympic. Vì hiện nay, Phạm Như Thảo - Đỗ Tuấn Đức đang xếp thứ 102 ở bảng xếp hạng điểm vòng loại Olympic, nếu tiếp tục tích được nhiều điểm, lọt vào hạng 32 trong bảng điểm này từ nay đến tháng 4-2016 (khi Liên đoàn Cầu lông thế giới chốt điểm xét dự Olympic), Đức và Thảo có thể hiện thực hóa giấc mơ tham dự Olympic nội dung đôi nam nữ. Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch để hai VĐV này thi đấu liên tiếp 8 giải từ tháng 2 đến tháng 4-2016 ở Châu Âu nhằm tích càng nhiều điểm càng tốt. Trong trường hợp các em chưa kịp tích đủ điểm, sự đầu tư này vẫn là đúng hướng, bởi chu kỳ đầu tư cho một lứa VĐV đến Olympic thường tối thiểu cũng phải 4 năm. Đức và Thảo rất trẻ, chưa quá 19 tuổi và chúng ta phải nghĩ đến Olympic Tokyo 2020 ngay từ thời điểm này.

- Cầu lông Hà Nội có nhiều VĐV giỏi. Tại sao được lựa chọn lại là Đức - Thảo chứ không phải cặp VĐV nào khác?

- Cặp VĐV này rất ăn ý khi đánh đôi với nhau, trình độ thăng tiến rất nhanh. Chúng tôi mới chỉ ghép đôi Đức và Thảo từ năm 2014 phục vụ Giải vô địch quốc gia, nhưng các em càng đánh càng hay. Ở 2 giải Châu Âu tháng 8-2015, đôi VĐV trẻ của Hà Nội đã rất xuất sắc giành liên tiếp HCV đôi nam nữ giải Bulgaria mở rộng và HCB giải Slovakia mở rộng, để từ hạng 748 thế giới vươn lên vị trí 292 trong bảng xếp hạng. Hơn nữa, cả hai đều rất quyết tâm, có khát vọng, lại được gia đình sẵn sàng hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất. Tôi nghĩ, đây là yếu tố rất quyết định bởi trên thực tế, để VĐV vươn tới đỉnh cao, quan trọng nhất là nỗ lực của bản thân các em và sự ủng hộ của gia đình.

- Là HLV giàu kinh nghiệm, bà đánh giá thế nào về Đỗ Tuấn Đức - Phạm Như Thảo?

- Đức tự tin, có trình độ cả về chuyên môn và ngoại ngữ. 16 tuổi, Đức đã giành được HCĐ Giải Trẻ Châu Á đôi nam nữ - một điều không dễ dàng khi phải lần lượt vượt qua các tay vợt đàn anh rất giỏi người Hàn Quốc ở vòng loại, các hạt giống số 6 của Indonesia và hạt giống số 4 của Malaysia ở các vòng tiếp theo. 19 tuổi, Đức đã vô địch đôi nam nữ Giải vô địch quốc gia. Sau đó, Đức giành HCV Giải Cầu lông học sinh Đông Nam Á năm 2014 nội dung đôi nam cùng với Hồng Nam. Còn Thảo, điều tôi hài lòng nhất ở em không chỉ là tài năng mà còn là ý chí và đam mê.

Hai năm nay, Thảo ngày càng vững vàng, giành nhiều thành tích tốt nên gia đình đã yên tâm hỗ trợ em theo nghiệp VĐV.

- Đã có tài năng, sự hỗ trợ của gia đình, có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng. Vậy điều quan trọng lúc này chính là tìm nguồn kinh phí hỗ trợ VĐV…

- Đầu tư cho thể thao đỉnh cao không thể làm theo kiểu ăn xổi. Trước mắt, các em phải tập trung cho nhiệm vụ thi đấu 8 giải ở Châu Âu nhằm tích điểm tham dự Olympic Rio 2016 bằng nguồn ngân sách. Sau đó, chúng tôi tiếp tục duy trì đầu tư cho cặp VĐV trẻ này. Đầu tư dài hạn đòi hỏi kinh phí cho các em, từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương, nguồn xã hội hóa, nếu thêm hỗ trợ từ gia đình thì rất tốt. Thời gian qua, Công ty cổ phần Thể thao quốc tế Lotus đã nhận hỗ trợ một phần tiền bồi dưỡng hằng tháng cho cặp VĐV trẻ này. Trang thiết bị của các em, bao gồm vợt, giày, trang phục… do một công ty nước ngoài - thông qua Lotus là đại diện - tài trợ. Chỉ cần các VĐV nỗ lực, lập nhiều thành tích, rất nhiều doanh nghiệp sẽ chủ động tìm đến với họ.

- Cảm ơn bà đã dành thời gian trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiện thực hóa kế hoạch đến Olympic

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.