Truyền thông nhà nước Nga đưa tin, ngày 4-7, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công bố bản Hiến pháp sửa đổi, sau khi các cải cách đối với luật cơ bản này nhận được sự ủng hộ áp đảo của 77,92% cử tri Nga trong cuộc bỏ phiếu kéo dài một tuần kết thúc hôm 1-7 vừa qua.
Điện Kremlin cho biết, trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 3-7, Tổng thống Putin tuyên bố, ông ký sắc lệnh nói trên bởi các sửa đổi Hiến pháp đã được đa số người dân Nga ủng hộ.
Điện Kremlin tuyên bố, Hiến pháp sửa đổi của Nga chính thức có hiệu lực từ ngày 4-7-2020.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Putin đã cảm ơn người dân nước này về sự ủng hộ và tin tưởng của họ sau cuộc bỏ phiếu trên toàn quốc tán thành sửa đổi Hiến pháp. Ông nói: "Cảm ơn sự ủng hộ và tin tưởng của các bạn rất nhiều. Chúng ta vẫn còn yếu ở một số khía cạnh. Chúng ta cần sự ổn định nội bộ cũng như thời gian để thúc đẩy đất nước và các thể chế liên quan".
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga cho biết, ông hiểu quan điểm của những người phản đối cuộc bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp nhưng cho rằng, kết quả mới được công bố cho thấy phần lớn người dân Nga tin rằng "chính phủ cần làm tất cả để chứng minh niềm tin của họ". Điện Kremlin đã hoan nghênh kết quả trên, coi đây là một chiến thắng và cho thấy sự tin tưởng của công chúng đối với Tổng thống Putin.
Hãng thông tấn Tass cho biết, những sửa đổi lần này đối với bản Hiến pháp 1993 không phải là bước đi mang động cơ chính trị, như truyền thông phương Tây đang xuyên tạc. Một phần lớn những sửa đổi tập trung vào việc bảo đảm những lợi ích kinh tế - xã hội của người dân Nga, như vấn đề tăng lương tối thiểu, lương hưu cũng như các phúc lợi xã hội khác...
Tổng thống Putin nhấn mạnh, các thế hệ cha ông đã sống và chiến đấu để lại cho thế hệ ngày nay một đất nước có nền văn hóa độc đáo và vĩ đại, mang theo khát vọng của các thế hệ người Nga. Các thế hệ ngày nay sẽ tiếp tục con đường lịch sử hàng nghìn năm đó.
Ông nhấn mạnh, đoàn kết sẽ giúp nước Nga giải quyết được những nhiệm vụ khó khăn nhất trong những thời khắc phức tạp nhất. Tổng thống Putin khẳng định, chỉ bằng sự phát triển, đoàn kết và tự lực tự cường, người dân Nga mới có thể bảo đảm ổn định, an toàn, hạnh phúc và cuộc sống xứng đáng. Cùng với đó là tinh thần trách nhiệm và tình yêu tổ quốc, sự tôn trọng lịch sử văn hóa, tiếng mẹ đẻ và những truyền thống bảo đảm chủ quyền của nước Nga.
Theo Tổng thống Putin, các sửa đổi này cho phép ghi vào hiến pháp các giá trị cơ bản của nhân dân Nga. Ông tuyên bố: "Chúng ta bỏ phiếu không chỉ vì những sửa đổi hiến pháp. Chúng ta bỏ phiếu vì một đất nước, mà trong đó chúng ta muốn sống, với nền giáo dục và y tế hiện đại, với hệ thống an sinh xã hội vững chắc, với chính quyền hiệu quả, có trách nhiệm với xã hội. Chúng ta bỏ phiếu vì một đất nước chúng ta muốn cống hiến và muốn truyền lại cho con cháu sau này".
Trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam, Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov nói rằng, nhiều đòi hỏi đối với tất cả các cơ cấu quyền lực, mà trước hết là đối với Tổng thống, được nâng cao hơn trước với những sửa đổi này.
Một yêu cầu tiếp theo đối với Tổng thống là: Một người không được giữ cương vị cao nhất này quá hai lần ở Nga. Một điều rất quan trọng nữa là trước các yêu cầu mới, các cơ quan lập pháp của nước Nga - Đuma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) - sẽ được trao nhiều quyền lực lớn hơn.
Đuma Quốc gia sẽ có thể bầu và phê chuẩn các ứng cử viên vào cương vị Thủ tướng và tất cả các bộ trưởng trong chính phủ. Đây là điều mà trước đây chưa từng có. Hội đồng Liên bang cũng sẽ có các chức năng kiểm soát quan trọng, mà trên thực tế, Hội đồng này có thể kiểm soát toàn bộ sinh hoạt chính trị của nước Nga. Hội đồng Liên bang sẽ bao gồm đại diện từ tất cả các địa phương của nước Nga.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.