Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiến kế để tăng lương

Hà Phong| 01/11/2014 06:24

(HNM) - Ngày 31-10, Quốc hội (QH) dành trọn buổi chiều thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách TƯ năm 2015.



Nhiều đại biểu (ĐB) lo ngại việc có nhiều khoản thu, chi vượt quá xa dự toán; đã hai năm nay không có nguồn tiền để tăng lương cho người lao động theo đúng lộ trình. Các ý kiến phát biểu đề nghị giảm ngay 10% ngân sách chi cho hội thảo, hội nghị, đi nước ngoài; quyết liệt tinh giản bộ máy hành chính, tổ chức đoàn thể.

Y tế là ngành có khoản vượt chi hơn 4000 tỷ đồng trong năm 2014. Ảnh: Thái An


Chi tiêu gây lãng phí

Hiến pháp và luật quy định, QH có quyền quyết định ngân sách nhưng theo phản ánh của các ĐBQH, cách làm hiện nay khiến quyết định dự toán ngân sách hằng năm của QH chỉ mang tính hình thức. Bởi trước đó Chính phủ lập dự toán và trình, ĐBQH chỉ có vài ngày để nghiên cứu, quyết định. Quá trình triển khai, kỷ luật tài khóa lại chưa nghiêm. "Báo cáo của Chính phủ về tình hình chi ngân sách nhà nước năm nay cho thấy hầu hết các ngành đều vượt chi. Tiêu biểu như chi sự nghiệp y tế vượt trên 4.000 tỷ đồng, chi giáo dục, đào tạo, dạy nghề vượt hơn 1.500 tỷ đồng" - ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Đoàn Bình Dương) dẫn chứng.

Nhấn mạnh vấn đề nợ công tăng cao sẽ ảnh hưởng đến "sức khỏe" nền kinh tế, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn Thái Nguyên) yêu cầu rà soát tính khả thi của các siêu dự án, đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tăng vay trung dài hạn, giảm vay ngắn hạn, xử lý nghiêm việc chi vượt định mức. Theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có dự tính đến công suất 100 triệu hành khách/năm, nhưng đó là tính cả hành khách trung chuyển. Vấn đề là các sân bay quốc tế của một số nước gần Việt Nam đã được xây dựng và vận hành, liệu ta có cạnh tranh được với họ và khách quốc tế có chọn trung chuyển ở Long Thành?

Không chỉ lo chi vượt thu, chuyện tiêu không tính toán, gây lãng phí, thất thoát cũng được đề cập. ĐB Đỗ Mạnh Hùng dẫn chứng: Một ký túc xá sinh viên mới được xây dựng ở Đà Lạt, kinh phí lên tới trên 1.000 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ có 1 sinh viên đến ở. Nguyên nhân là do, công trình ở cách xa nơi học tới 5km, đường vào rất khó khăn. ĐB Trần Đình Nhã (Đoàn Thừa Thiên Huế) cho biết, hiện các quy định của Nhà nước về giới hạn số lượng cấp phó ở các cơ quan nhà nước là chưa đầy đủ. Ông Trần Đình Nhã đặt vấn đề tại sao ở nước ta lại có nhiều cấp phó đến thế, trong khi ở nhiều nước khác, có bộ không có thứ trưởng. Phải chăng do chúng ta tổ chức nhiều hội họp quá, tạo nhiều cơ cấu thành phần trong đội ngũ lãnh đạo quá? "Nếu chúng ta tạm tính với một cấp phó, mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi thêm 30 triệu đồng thì 139.000 cấp phó sẽ khiến ngân sách phải chi thêm hơn 4.000 tỷ đồng, đây là số tiền khổng lồ" - ĐB Trần Đình Nhã nhận định.

Chống thất thu ngân sách

ĐB Trần Du Lịch (Đoàn TP Hồ Chí Minh) kiến nghị, để hóa giải tình trạng thu không đủ chi đang diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, điều quan trọng là dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) phải phân định rõ hai nguồn ngân sách: Địa phương thu được và TƯ phân bổ. "Với các địa phương còn phải nhận ngân sách do TƯ cấp thì phần ngân sách nhận được ấy phải chi tiêu theo mục đích, không thể muốn chi vào đâu thì chi, chi khác mục đích ban đầu" - ĐB Trần Du Lịch nói.

Ở góc nhìn khác, ĐB Thân Đức Nam (Đoàn Đà Nẵng), Đinh Trịnh Hải (Đoàn Ninh Bình), Nguyễn Cao Phúc (Đoàn Quảng Ngãi) đề nghị, khi phân cấp ngân sách phải đặt hiệu quả lên hàng đầu, nguồn lực nên tập trung về nơi có khả năng sử dụng hiệu quả nhất. Năm 2015 phải xử lý nghiêm các tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế, thành lập doanh nghiệp để buôn bán hóa đơn… tạo thêm nguồn thu cho ngân sách. Bên cạnh các giải pháp bồi dưỡng nguồn thu, cần phải quyết liệt tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm đình hoãn các dự án chưa thực sự cần thiết. Trên cơ sở đó, cùng với nguồn vượt thu ngân sách, tiền thu hồi từ các vụ án tham nhũng... cần dành một tỷ lệ đáng kể để tăng lương cho người lao động. ĐB Nguyễn Cao Phúc nhấn mạnh, Bộ GT-VT đã có ý thức về điều chỉnh dự án, công trình tiết kiệm. Chỉ điều chỉnh một số công trình mà tiết kiệm 35.000 tỷ đồng trong khi chúng ta cần 40.000 tỷ đồng để giải quyết tiền lương. Bộ GT-VT thắt chặt chi tiêu, đã mang lại con số lớn như thế, nếu nhiều ngành khác cùng chung tay thực hiện, tạo thành tiền lệ thì nguồn lực thu về sẽ vô cùng lớn.

Đồng tình với ý kiến của ĐB Nguyễn Cao Phúc, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị giữ đúng lộ trình tăng lương cho cán bộ, công chức vì đó là trách nhiệm của QH và Chính phủ. Nếu không tăng lương có thể sẽ tạo ra tâm lý nặng nề trong cán bộ, công chức, người lao động. Hơn nữa sẽ có ý kiến cho rằng trong khi ngân sách khó khăn mà vẫn bảo đảm các khoản chi khác, riêng đối với lương thì không bảo đảm là chưa coi trọng nguồn nhân lực.

ĐB Đỗ Văn Đương (Đoàn TP Hồ Chí Minh):
Phải giảm ngay chi phí hội họp

Tôi cho rằng việc cần làm quyết liệt hiện nay là giảm ngay 10% ngân sách hội thảo, hội nghị, đi nước ngoài, tinh gọn bộ máy hành chính, tổ chức đoàn thể. Ngoài ra, Chính phủ dự kiến, đến năm 2020 mới giảm 100.000 người là quá ít, phải rà soát lại, giảm hơn nữa. Vì hiện nay tới 1/3 công chức làm việc không hiệu quả. Đang có tình trạng người làm thì ít nhưng lãnh đạo cấp phó lại nhiều quá.

ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đoàn Đồng Nai):
Cắt giảm công trình chưa cần thiết, tăng lương cho người lao động

Chúng ta đã có lộ trình tăng lương cho người lao động. Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp hai lần và cho rằng, mức lương phải tăng 32% mới bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn thì cần tăng 4-15% cho người lao động. Do vậy, tôi đề nghị thật sự tiết kiệm chi tiêu ngân sách, cắt giảm công trình chưa cần thiết, bằng mọi cách phải dành nguồn tăng lương cho cán bộ, công chức.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiến kế để tăng lương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.