Chiều 11-4, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024, tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch.
Chia sẻ về các sản phẩm du lịch của tỉnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên Lê Ngọc Linh cho biết: “Thái Nguyên tập trung phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động, mạo hiểm.
Năm 2023, tổng số khách du lịch đến Thái Nguyên đạt gần 2,5 triệu lượt, tăng 14,79% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch đạt 2.144,5 tỷ đồng. Quý I năm 2024, số lượt khách du lịch đến Thái Nguyên đạt trên 1,1 triệu lượt.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia du lịch đã thẳng thắn nêu lên những mặt hạn chế, bất cập và giải pháp khắc phục để thu hút khách nhiều hơn trong thời gian tới.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Dynamic Nguyễn Thị Thùy Lan, các sản phẩm, điểm đến, cảnh quan và ẩm thực của Thái Nguyên hiện vẫn "na ná", chưa tạo ra sự khác biệt khiến du khách tò mò, muốn khám phá. Còn Phó Trưởng phòng Nghiên cứu chính sách, quy hoạch và môi trường du lịch (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) Lê Quang Đăng cho rằng, mặc dù số lượng khách đến Thái Nguyên khá lớn nhưng chủ yếu là khách nội vùng, khách quốc tế chỉ chiếm 2,5%; thời gian lưu trú ngắn, mức chi tiêu thấp do chưa có sản phẩm khác biệt và các khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Nhằm khắc phục những bất cập trên, các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành đã “hiến kế” để du lịch Thái Nguyên bứt phá, thu hút khách nhiều hơn trong thời gian tới. Theo đó, tỉnh cần chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chủ đạo, mang bản sắc riêng. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo kỹ năng cho người dân để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Lê Phúc đề nghị, trong thời gian tới, du lịch Thái Nguyên cần tập trung cơ cấu lại ngànhtheo hướng đẩy mạnh kết nối vùng miền, kết nối với cả nước và khu vực; bảo đảm đồng bộ, liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch gắn với phát triển xanh, bền vững. Tỉnh cần thu hút đầu tư phát triển du lịch đa dạng, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao; phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch.
Trong khuôn khổ hội nghị, Hiệp hội Du lịch 6 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên đã ký kết biên bản hợp tác với Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.