Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiến đất làm đường là “được” chứ không “mất”

Dương Bích Thúy| 05/08/2015 06:00

(HNM) -

Tấm lòng người cựu chiến binh

Đến Thôn 3, xã Thạch Đà hỏi nhà ông Nguyễn Hữu Lộc không ai không biết. Người dân quê nhiệt tình còn dẫn vào tận nơi. Vào mới biết, mảnh đất nhà ông Nguyễn Hữu Lộc có vị trí khá đẹp nằm ngay trên trục đường liên thôn, nhìn ra xa là cánh đồng mênh mông.

Trưởng thôn Nguyễn Văn Hồng chung vui cùng gia đình ông Nguyễn Hữu Lộc (ngoài cùng bên phải).



Trong gian nhà nhỏ, ông Lộc tay run run bưng ấm trà rót mời khách. Ông lão ngoài 80 tuổi với dáng người gầy gò, nước da đen sạm, gương mặt khắc khổ những vết nhăn hằn in một đời lam lũ. Ông Nguyễn Hữu Lộc là cựu chiến binh, sau khi tham gia hai cuộc kháng chiến ông trở về xây dựng quê hương. Gia đình ông vốn thuần nông, sống theo "tứ đại đồng đường", cũng không dư giả gì nhiều. Có ai ngờ, ông chính là người đã đi đầu trong đóng góp chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Thạch Đà. Tính đến đầu năm 2015, ông Hữu Lộc đã vận động trong gia đình đồng thuận hiến trên 100m2 đất (tương đương trị giá trên 300 triệu đồng) để làm đường giao thông liên thôn.

"Lùi đất của nhà mình vào một chút để làm đường thì chính mình và hàng xóm láng giềng của mình được đi trên con đường đó. Rồi đường mở rộng lại được bê tông hóa, sạch hơn, đẹp hơn, góp phần cho xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vậy là "được" chứ không phải "mất" - ông Lộc vui vẻ cho biết.

Ông Lộc nhớ lại ngày ông cưới bà, năm 1952, thoáng chốc mà đã hơn 60 năm có lẻ. Cưới xong chừng một tháng thì ông nhập ngũ, cứ thế biền biệt xa nhà. Chiến dịch Điện Biên Phủ, hết chống Pháp rồi chống Mỹ, cuộc đời người lính của ông trải dọc tuyến đường Trường Sơn. Đến đây, ông Lộc chuyển sang kể về vợ. Chồng đi bộ đội, bà Nguyễn Thị Thuận - vợ ông ở nhà cặm cụi làm ruộng nuôi 5 đứa con nhưng không một lời phàn nàn. Ông thương bà một đời vất vả. Bởi lẽ đó, khi chiến tranh kết thúc, với tài sản chỉ một ba lô quân phục cũ kỹ ông về công tác tại địa phương, thầm hứa sẽ lao động cật lực để bù đắp cho vợ con những thiệt thòi…

Mảnh đất mà vợ chồng ông đang sinh sống bây giờ, cũng là do một tay người vợ tần tảo chắt chiu, tích góp mà có. Nghĩ đến vợ suốt mấy chục năm gây dựng, vun vén rồi lại nghĩ đến chuyện hiến đất, không ít lần ông Lộc thấy như có gì đó đè nặng trái tim mình. Nhưng ngược với những lo lắng của ông, bà Thuận dường như hiểu được nỗi lòng chồng nên không những không phản đối mà rất ủng hộ, âm thầm cùng chồng vận động con cháu hưởng ứng.

Vậy là sau khi nghe trưởng thôn phổ biến cũng như trực tiếp tìm hiểu thông tin về chủ trương của Trung ương và thành phố, ông bà đồng thuận hiến đất làm đường. Ngoài ra, ông Lộc còn vận động, thuyết phục gia đình các con, các cháu (7 gia đình) đồng thuận hiến đất làm đường. Mọi việc đều thuận lợi, suôn sẻ nhưng riêng một việc khiến ông canh cánh trong lòng. Đó là trong phần đất cần hiến có giếng khoan và công trình phụ của gia đình người con gái có hoàn cảnh khó khăn, không dễ để có thể để làm lại cái mới. Nhưng vì lợi ích cộng đồng, ông khuyên bảo, động viên nên các con ông hoàn toàn vui vẻ nghe theo.

Ông Lộc bộc bạch: "Cái lợi cho cá nhân thì ai cũng cần, nhưng làm đường là để phục vụ bà con, góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương. Đặc biệt, trẻ con trong xóm đi học không còn vất vả khi đến mùa mưa. Vì lẽ đó, mình đâu thể chỉ vì lợi ích cá nhân mà quên đi tập thể cộng đồng, mình sống phải vì mọi người. Có đất xây dựng, xóm làng có đường để đi, thấy có ích mình phải sẵn sàng đóng góp".

Lan tỏa những tấm lòng

Hôm chúng tôi đến thăm, gia đình ông Lộc cũng có "khách nhà". Gọi thế bởi, vị khách này thường xuyên đến nhà ông Lộc để cùng bàn việc tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới, làm công việc mà người ta gọi vui là những người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Đó là trưởng thôn Nguyễn Văn Hồng.

Khi được hỏi về tấm gương gia đình ông Nguyễn Hữu Lộc, ông Hồng chia sẻ: "Đóng góp của ông Lộc có sức lan tỏa không nhỏ. Việc làm tự nguyện của đại gia đình ông đã làm gương cho người dân xung quanh. Với uy tín của mình, ông Lộc đã cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhờ thế mà bà con trong thôn nhiệt tình hưởng ứng làm theo".

Có thể kể đến gia đình ông Nguyễn Viết Bích (hiến 60m2), ông Nguyễn Văn Chế (hiến 84m2), ông Nguyễn Văn Sách (hiến 60m2), ông Nguyễn Hữu Minh (hiến 60m2)… Tất cả đã tạo thành phong trào sôi nổi hiến đất làm đường, góp phần hoàn thành tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Để tuyên truyền vận động, ông Lộc, ông Hồng cùng tổ dân vận thôn đã trực tiếp gặp từng hộ dân, phân tích lợi ích của việc mở đường, của phong trào xây dựng nông thôn mới. Trưởng thôn 3 bày tỏ: "Ban đầu nhiều người chưa hiểu, tôi phải cố gắng kiên trì giải thích. Tôi rất mừng vì nhiều bà con cũng thấy được cái lợi của việc mở đường mà làm theo. Bản thân tôi cũng đã góp 62m2 để chung tay ủng hộ phong trào. Tới đây, đường mở vào đến đâu, nhà tôi nguyện hiến đất đến đó. Mỗi người góp công góp của một chút thì đường ngõ xóm sẽ rộng rãi thêm".

Rồi ông Hồng còn kể cho chúng tôi về những ngày thi công mở rộng con đường liên thôn, thực sự là ngày hội của bà con thôn 3. Doanh nghiệp đưa máy móc, vật tư vào; người dân tự nguyện cùng đơn vị thi công phá tường rào, công trình phụ, giếng khoan, phạt cây cối… Doanh nghiệp cũng giúp người dân xây lại công trình tại vị trí mới mà không đòi hỏi đóng góp gì. Kết quả của những tấm lòng là một con đường sạch đẹp dài 550m, rộng 5m đã được khánh thành trong niềm vui mừng của bà con nơi đây. Tổng giá trị xây tường rào, cống rãnh và đường bê tông khoảng 1,5 tỷ đồng, hoàn toàn của doanh nghiệp.

Nhờ đó mà các con đường thôn 3 xã Thạch Đà như được thay áo mới. Cách đây không lâu, con đường này vốn chỉ rộng 3m và luôn lầy lội khi trời mưa. Hôm nay, con đường liên thôn mở rộng khang trang, sạch sẽ, ô tô vào được tận cổng mỗi nhà, trời mưa không còn ngập úng, người dân ai nấy cũng phấn khởi. Sự thay da đổi thịt của vùng xã nông thôn ấy là kết quả của sự thống nhất lòng dân, ý Đảng, với những người đang tích cực chung tay thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng nông thôn mới như ông Lộc, ông Hồng…

Ông Nguyễn Hữu Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đà hồ hởi: "Phong trào xây dựng nông thôn mới của xã rất sôi nổi, có được thành tích đó là nhờ đóng góp của người dân, trong đó điển hình là bà con thôn 3. Đặc biệt, với tinh thần mình vì mọi người, ông Nguyễn Hữu Lộc xứng đáng với lời khen ngợi của cán bộ, nhân dân xã Thạch Đà. Ông là tấm gương tiêu biểu để mọi người làm theo, góp phần vào thành công của phong trào Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Mê Linh".

Với những đóng góp của mình, gia đình ông Nguyễn Hữu Lộc là một trong số 11 tập thể, cá nhân, gia đình điển hình tiên tiến được phát hiện, giới thiệu (đợt đầu) trong Cuộc thi "Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước TP Hà Nội năm 2015".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiến đất làm đường là “được” chứ không “mất”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.