(HNM) - 65 năm một chặng đường đủ dài để Bộ Canh nông, tiền thân của Bộ NN&PTNT hiện nay khẳng định vị thế cũng như vai trò trong công cuộc chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chỉ hơn hai tháng sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 14-11-1945, Hội đồng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Bộ Canh nông. Vượt qua muôn ngàn khó khăn khi đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, những người làm nông nghiệp vẫn dồn sức vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Khi đất nước hòa bình, những con người thiết tha với công cuộc cải cách nông nghiệp lại cống hiến hết mình để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, cải thiện nhanh đời sống nông dân.
Những năm gần đây, ngành NN&PTNT phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai với tần suất cao và cấp độ ngày càng mạnh như hạn hán, rét đậm, rét hại, bão lụt, cùng với dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi xảy ra trên diện rộng, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, môi trường suy thoái, biến động bất lợi của thị trường trong và ngoài nước. Tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành nông nghiệp lần thứ 3 mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, ngành NN&PTNT đã vượt qua những khó khăn để phát huy, đóng góp vì sự phát triển của đất nước. Trong những năm qua, nhiều mô hình sản xuất NN như sản xuất, kinh doanh lúa, màu, trái cây, chăn nuôi, thủy sản đạt 50 triệu đồng, 100-200 triệu đồng/ha/năm, trồng hoa, nuôi tôm, nuôi cá tra, nuôi thủy sản đặc sản đạt hàng tỷ đồng/ha/năm. Lĩnh vực trồng trọt đã chọn tạo thành công, đưa vào sản xuất hàng trăm giống lúa, ngô, lạc, đậu tương, cây có củ, rau, hoa, cây ăn quả năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với điều kiện hạn hán, đất chua phèn, mặn. Trong 5 năm 2006-2010, ngành nông nghiệp đã xuất khẩu gần 25 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD; vượt kế hoạch 5 năm bình quân 1 triệu tấn và 1,1 tỷ USD/năm. Giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp bình quân đạt khoảng 3,7-4%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm do Chính phủ đề ra 3-3,2%. An ninh lương thực quốc gia được bảo đảm. Lĩnh vực thủy sản đã nghiên cứu sản xuất thành công nhiều giống mới có giá trị kinh tế cao. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2010 dự kiến đạt 5 tỷ USD.
Đặc biệt, kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện; xóa đói, giảm nghèo đạt thành tựu to lớn. Cả nước hiện có gần 3.000 làng nghề với 1,4 triệu hộ, thu hút trên 11 triệu lao động; có 120.000 trang trại, quy mô ngày càng mở rộng, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất và tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Luôn là ngành kinh tế mũi nhọn
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, mục tiêu của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới là "Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần dân cư nông thôn".
Hội nghị Lúa gạo quốc tế lần thứ 3 vừa diễn ra với sự tham gia của gần 2.000 nhà khoa học, nhà chính sách, doanh nghiệp… hàng đầu về nông nghiệp của 60 nước đã đề cao thành tựu nông nghiệp Việt Nam. Những sản phẩm như: gạo, cà phê, hạt điều, cá tra… đã trở thành những mặt hàng nổi tiếng trên thế giới. Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về khoa học công nghệ, thị trường, cơ chế chính sách, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật… tạo năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.
Với một đất nước có tới 80% dân số nông thôn, đời sống phần lớn phụ thuộc vào nông nghiệp thì nông nghiệp luôn là ngành kinh tế mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước. Chính ngành nông nghiệp đã sản xuất ra những sản phẩm đánh dấu sự phát triển của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.