(HNM) - Anh đã nâng cấp độ cảnh báo đe dọa khủng bố từ
Người dân đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố ngày 22-5 tại thành phố Manchester. |
Thủ phạm được xác định là Salman Ramandan Abedi (22 tuổi), người gốc Libya, sinh sống tại thành phố này. Cảnh sát cũng đã bắt giữ một người đàn ông 23 tuổi sống gần nơi ở trước đây của Abedi. Trước vụ tấn công đẫm máu tại Anh, các nhà lãnh đạo thế giới đã mạnh mẽ lên án hành vi khủng bố và bày tỏ tình đoàn kết với xứ Sương mù, khẳng định sẵn sàng hợp tác với Anh trong cuộc chiến chống những kẻ đi ngược lại các giá trị nhân đạo của loài người. Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 23-5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kịch liệt lên án vụ tấn công và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hơn nữa các nỗ lực nhằm đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tuyên bố nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công. Tuy nhiên, cảnh sát Anh vẫn đang điều tra để xác định liệu đây là một hành động đơn lẻ hay có sự tham gia của các cá nhân hoặc tổ chức khác. Các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng vụ việc được thực hiện theo kiểu “con sói đơn độc”, xu hướng khủng bố đã trở nên phổ biến trong thời gian gần đây tại phương Tây. Theo đó, chỉ một cá nhân với các phương tiện đơn giản, các công dân mang tấm hộ chiếu Châu Âu cũng có thể gây ra những vụ thảm sát với hậu quả khôn lường.
Liên quan vấn đề này, sau khi triệt phá khoảng 270 mạng lưới khủng bố kể từ năm 2002, người đứng đầu cơ quan Điều tra Tư pháp Morocco Abdelhak Khiame vừa đưa ra cảnh báo: Những "con sói đơn độc" là mối đe dọa lớn với nước này và cả Châu Âu trong thời gian tới. Khi các nhóm khủng bố như IS, Al-Qaeda dần mất đi các phần lãnh thổ từng chiếm đóng sau hàng loạt chiến dịch của Mỹ và liên quân tại Iraq, Syria, những phần tử cực đoan sẽ phải tìm biện pháp mới để phô trương sức mạnh và chiêu mộ binh sĩ.
Các chuyên gia an ninh cho rằng mạng xã hội là một kênh lý tưởng để tuyển mộ chiến binh và chỉ đạo tấn công. Thủ phạm có thể được thu nạp, đào tạo từ xa bởi các nhóm khủng bố hay cũng có thể là các cá nhân được truyền cảm hứng từ những tư tưởng cực đoan. Vũ khí tấn công cũng không hẳn là các phương tiện công nghệ cao mà chỉ cần bảo đảm hiệu quả sát thương và thu hút sự chú ý của truyền thông để truyền đi thông điệp về nỗi khiếp sợ - ưu tiên hàng đầu trong các vụ tấn công nhằm vào dân thường.
Hiện mục tiêu hàng đầu đối với các cơ quan an ninh và tình báo Châu Âu là mở rộng khả năng giám sát với các mối đe dọa tiềm tàng. Theo ước tính, có hàng nghìn cá nhân mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan và có khả năng hỗ trợ các nhóm cực đoan đang hiện diện trên khắp các vùng lãnh thổ Châu Âu. Điều này đặc biệt nghiêm trọng tại Pháp, Bỉ, Đức - nơi các phần tử khủng bố có thể truyền bá ý thức hệ và thâm nhập vào các cộng đồng Hồi giáo địa phương.
Trong đó, khoảng cách giàu nghèo quá lớn và tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhóm người, đặc biệt là thanh niên dễ bị lôi kéo, tham gia vào các tổ chức cực đoan và sẵn sàng trở thành những quả bom người đem cái chết đến với đồng loại.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, những "con sói đơn độc" đang đặt Châu Âu vào nguy cơ bị tấn công ở bất kỳ đâu vào bất kỳ thời gian nào, đồng thời có thể tái diễn với các hình thức tinh vi và mức độ nguy hiểm ngày càng cao. Thực tế này đe dọa trực tiếp đến sự ổn định cũng như việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, phát triển của cả châu lục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.