(HNM) - Chưa bao giờ những dịch vụ hẹn hò trên mạng hay không gian ảo để những người có nhu cầu tìm kiếm các mối quan hệ gặp gỡ lại bùng nổ trên toàn cầu một cách mạnh mẽ như hiện nay.
Theo thống kê của GlobalWebIndex, có tới 41% người độc thân trên toàn cầu đã sử dụng ít nhất một ứng dụng hoặc dịch vụ hẹn hò trong tháng vừa qua. Tại Đức, Bỉ và Hà Lan, con số này là gần 30% trong khi ở Trung Quốc lên tới 52%. Nhu cầu lớn đã dẫn tới sự hình thành của những mạng hẹn hò khổng lồ như Tinder, Happn với khoảng 50 triệu người dùng hay Baihe của Trung Quốc với hơn 100 triệu người sử dụng. Bản thân các nền tảng lớn như Facebook cũng đang rục rịch phát triển dịch vụ này.
Tuy nhiên, đi đôi với sự phổ biến của hẹn hò trực tuyến là những vấn nạn đáng lo ngại. Báo cáo vừa công bố của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cho biết, có hơn 21.000 người dân nước này đã trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo liên quan đến hẹn hò và tìm hiểu qua mạng trong năm 2018 với tổng thiệt hại lên tới 143 triệu USD, cao hơn nhiều mức của năm 2015 là 8.500 nạn nhân với tổng thiệt hại 33 triệu USD. Tình trạng cũng nghiêm trọng tại Australia với 3.981 vụ trong năm 2018, gây thiệt hại hơn 17 triệu USD...
Để tiến hành các vụ lừa đảo, kẻ gian thường nghiên cứu rất kỹ thông tin cá nhân của nạn nhân và sử dụng tài khoản giả mạo để lừa gạt. Sau khi giành được sự tin tưởng, những kẻ lừa đảo sẽ nói chúng cần tiền, thường với lý do khẩn cấp về y tế hoặc một số hoàn cảnh éo le khác. Những đối tượng này cũng thường viện cớ là người trong quân đội hoặc đang ở nước ngoài để tránh phải trực tiếp gặp mặt. Các hình thức lừa đảo kể trên thường nhắm đến những người trong độ tuổi từ 40 đến 69 do họ có nguy cơ bị lừa gạt về tình cảm cao gấp hai lần những người trong độ tuổi từ 20 đến 29. Theo FTC, trung bình các nạn nhân tại Mỹ mất 2.600 USD cho mỗi vụ lừa đảo kiểu này, cao gấp gần 7 lần các hình thức lừa đảo khác. Tuy nhiên, những nạn nhân lớn tuổi chịu thiệt hại nhiều nhất khi trung bình mỗi vụ lừa đảo khiến họ mất tới 10.000 USD.
Mới đây, một vụ việc gây sốc dư luận được công bố khi một người đàn ông góa vợ tại Canada trước khi qua đời đã chi cho một kẻ lừa đảo dưới tên gọi Sophia Goldstern tới gần 280.000 USD qua 19 giao dịch chuyển khoản tới các ngân hàng tại Malaysia. Thực tế, kẻ gian cũng thường hỏi mượn tiền qua thẻ tín dụng và các loại thẻ nạp do nhanh chóng, ít bị chú ý và khó truy lùng hơn các hình thức gửi tiền khác.
Một số đặc điểm của những kẻ lừa đảo là cung cấp thông tin cá nhân thiếu logic, bất nhất, thường sử dụng các hành vi bày tỏ tình cảm thái quá để làm nạn nhân rơi vào bẫy, gợi ý chuyển sang chat và giao tiếp trên các nền tảng khác (như nhắn tin qua mạng xã hội) để tránh bị giám sát bởi công cụ chuyên dụng của dịch vụ hẹn hò, né tránh gặp gỡ trực tiếp… Vì vậy, trước khi đặt niềm tin vào các công cụ từ những nhà cung cấp dịch vụ, mỗi cá nhân nên tự cảnh giác để bảo vệ mình trong thời đại internet đã len lỏi khắp các lĩnh vực đời sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.