Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiểm họa thường trực, trách nhiệm của ai?

Hoàng Thu Vân| 01/04/2011 07:00

(HNM) - 14h55 ngày 30-3, tại Km18+800 đường sắt Bắc Nam thuộc địa phận xã Hà Hồi (huyện Thường Tín - Hà Nội) xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng giữa tàu hỏa SE8 với ô tô mang biển số 20L-4564. Trên xe lúc đó đang có 18 người từ Thái Nguyên về Hà Nội ăn cưới. Tai nạn đã làm 9 người tử vong, một số người bị thương nặng phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.


Ngược thời gian, hơn 4 tháng trước cũng tại địa bàn huyện Thường Tín, 10h45 ngày 22-11 tại Km27+400 thuộc xã Văn Tự, một xe khách 30 chỗ chở đám ăn hỏi vượt qua đường sắt cũng bị tàu hỏa đâm làm 9 người chết.

Bên cạnh những lỗi thuộc về các tài xế để xảy ra tai nạn do không quan sát, không tập trung trong khi lái xe, thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông, cố tình điều khiển phương tiện vượt qua đường sắt khi có tàu hỏa chạy qua... thì có một phần lớn lỗi thuộc về ngành đường sắt. Đáng chú ý những vụ tai nạn nêu trên đều xảy ra tại các đoạn đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt, không có rào chắn (barie) chỉ có đèn tín hiệu và biển báo. Theo ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn giao thông Đường sắt Việt Nam, vào thời điểm hiện tại toàn quốc có 1.542 đường ngang có điểm giao cắt với đường sắt hợp pháp được ngành chức năng bố trí rào chắn hoặc đèn tín hiệu, biển báo. Chiểu theo đó thì 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn huyện Thường Tín trong hơn 4 tháng qua đều xảy ra ở các điểm giao cắt đường sắt với đường ngang dân sinh hợp pháp. Như vậy, nếu những nơi này có bố trí barie, có người gác chắn thì chắc chắn gần hai chục con người vô tội (trong đó có cả những người già, trẻ em) sẽ không bị thiệt mạng dù những lái xe có chủ quan, thiếu ý thức đến đâu chăng nữa. Về vấn đề này, ngành đường sắt không thể đưa ra những lý do như thiếu kinh phí cho việc làm barie, trả lương cho những người làm công tác này... hoặc bố trí quá nhiều rào chắn trên những tuyến đường sắt sẽ ảnh hưởng tới mỹ quan, bởi mạng sống, sự an toàn của người tham gia giao thông phải đặt lên trên hết. Hơn nữa, đây lại là những đường ngang dân sinh hợp pháp, do đó sự an toàn phải được bảo đảm ở mức tối đa. Chắc chắn nếu những bất cập đó được khắc phục thì sẽ không để xảy ra những vụ việc tương tự dù rằng theo cách nói của các cụ ngày xưa thì vẫn là "mất bò mới lo làm chuồng". Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Thực hiện mục tiêu đó, chúng ta đã dành lượng vốn lớn cho phát triển hệ thống hạ tầng công trình giao thông, kèm theo đó là các hạng mục bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Trong đó, giao thông đường sắt cũng được quan tâm đầu tư không nhỏ. Tuy nhiên tiếc rằng... chỉ riêng tại địa bàn một huyện của Hà Nội, hơn 4 tháng đã xảy ra 2 vụ việc nghiêm trọng, không lẽ ngành chức năng không nhận thấy trách nhiệm của mình? Nhìn rộng ra, tại 33 địa phương của cả nước có đường sắt chạy qua, nếu những đường ngang dân sinh hợp pháp vẫn luôn trong tình trạng thiếu an toàn để tử thần rình rập như vậy thì không hiểu ngày mai sẽ còn những ai bị cướp đi mạng sống?

Chưa hết, cũng theo cung cấp của ngành đường sắt, đang tồn tại tới 4.725 đường ngang bất hợp pháp do dân tự mở, tức là gấp gần 3 lần số đường ngang mà ngành đường sắt coi là hợp pháp. Như vậy đồng nghĩa là hiểm họa đang treo lơ lửng tại hàng ngàn điểm giao cắt với đường sắt mà không có bất cứ hệ thống cảnh báo an toàn nào. Ngành chức năng cho biết, đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ và các địa phương có đường sắt đi qua phối hợp để dỡ bỏ, tuy nhiên hiệu quả rất hạn chế và những đường ngang dân tự mở cắt qua đường sắt xuất hiện ngày càng nhiều. Vậy là hàng ngày những chuyến tàu vẫn khởi hành mang theo nỗi lo thường trực về sự an toàn? Không lẽ ngành chức năng chịu "bó tay" trong việc tìm biện pháp giải tỏa các đường ngang dân tự mở và trách nhiệm của những vụ tai nạn đã và sẽ xảy ra sẽ thuộc về ai?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiểm họa thường trực, trách nhiệm của ai?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.