(HNMO) - Vạn Phúc - làng quê ven dòng Nhuệ giang bao đời nổi tiếng về nghề dệt lụa cổ truyền. Tại đây, trong tháng 12 năm 1946, giữa tiếng thoi đưa, Hồ Chủ tịch đã viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Làng Vạn Phúc (Hà Đông) không chỉ nổi tiếng bởi nghề dệt lụa mà còn được biết đến là cơ sở cách mạng. Năm 1938, Chi bộ Đảng đầu tiên của Hà Đông được thành lập ở Vạn Phúc. Những năm 1936-1945, Vạn Phúc là An toàn khu của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, nơi từng nuôi giấu nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ hoạt động bí mật như: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy, Võ Nguyên Giáp... và được Xứ ủy Bắc Kỳ chọn làm nơi chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng trước các địa phương khác.
Đặc biệt, trong ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Dương nằm giữa làng Vạn Phúc, từ ngày 3 đến 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về ở và làm việc. Và Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp đã được Người viết tại đây.
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông. Tại đây, trong hai ngày 18 và 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” do Người khởi thảo. Di tích này được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa từ ngày 21-2-1975. |
Trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, từng câu, từng chữ súc tích, giản dị, đanh thép của Hịch cứu nước có sức cổ vũ, động viên và tổ chức lực lượng kháng chiến vô cùng mạnh mẽ, với một ý chí “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta…”.
Sau 9 năm kháng chiến, Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954 đã chứng tỏ sức mạnh của lòng yêu nước phi thường của quân và dân ta, sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ba mươi năm sau - Đại thắng mùa Xuân 1975 kết thúc cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Bắc - Nam thống nhất một nhà, cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hôm nay. Việt Nam ngày càng khẳng định thế và lực quan trọng trong khu vực và trên trường quốc tế…
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương nay trở thành Nhà lưu niệm Bác Hồ. Bút tích “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia. Kiến trúc của ngôi nhà cùng vật dụng Bác dùng vẫn được giữ nguyên vẹn. Năm 2015, nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà lưu niệm trưng bày một số hình ảnh của Bác với chủ đề: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trên bàn làm việc của Bác trưng bày bản phục chế “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” (bản gốc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến hiện được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia). Cạnh đó là bản phục chế những trang báo Cứu quốc mà Bác vẫn thường đọc trong thời gian ở đây để nắm tình hình…
Nhà lưu niệm Bác Hồ được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa từ năm 1975. Mỗi năm, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc đón hơn 7.000 lượt khách tham quan.
Để làng lụa giàu đẹp
Đã 70 năm trôi qua, nhưng kỷ niệm về những ngày Bác Hồ về làng Vạn Phúc, ở tại gia đình mình để viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến vẫn được bà Nguyễn Thị Hà, con gái ông Nguyễn Văn Dương kể lại cho con cháu để tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình. Tự hào về quá khứ hào hùng của quê hương, những người dân như bà Hà càng vui mừng hơn bởi phường Vạn Phúc hôm nay đã thay da đổi thịt, đời sống nhân dân được nâng cao, bộ mặt đô thị của phường ngày càng xanh - sạch - đẹp. HTX Dệt lụa Vạn Phúc trước đây đã được chuyển thành Xí nghiệp Liên hợp dệt lụa xuất khẩu Vạn Phúc, đánh dấu sự chuyển đổi hình thức quản lý từ sản xuất gia công đặt hàng sang cơ chế mua nguyên liệu, bán sản phẩm, bao tiêu khâu dịch vụ kỹ thuật, đưa hàng trăm máy dệt về các gia đình để tự chủ trong sản xuất, kinh doanh.
Làng Vạn Phúc ngày đêm rộn ràng tiếng thoi đưa. Những sản phẩm mang thương hiệu lụa Hà Đông là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng trong và nước ngoài. Nhiều sản phẩm chiếm lĩnh thị trường các nước phương Tây. Sản lượng lụa Vạn Phúc đạt 2,5 triệu mét/năm. Tên của những nghệ nhân trong làng như: cụ Thành, cụ Mão, bà Hiền... đã trở thành một phần không thể thiếu của thương hiệu làng lụa. Bên cạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Đảng bộ phường Vạn Phúc nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
Với những thế mạnh sẵn có, hướng phát triển trong những năm tiếp theo của phường Vạn Phúc là tiếp tục phát triển làng nghề gắn kết du lịch; tập trung cải thiện môi trường, phát triển hạ tầng kỹ thuật, chăm lo nâng cao đời sống nhân dân. Phường sẽ thành lập từ 1-2 công ty cổ phần sản xuất, kinh doanh về vải lụa, mở rộng kinh doanh, dịch vụ, tạo nhiều việc làm cho người lao động; phát huy vai trò chủ đạo của hợp tác xã dệt lụa và Hiệp hội làng nghề trong thời kỳ hội nhập. Bên cạnh đó, Vạn Phúc sẽ tăng cường sự lãnh đạo và hoạt động đối với tổ chức Hiệp hội làng nghề, phát triển nghề dệt truyền thống, duy trì sản lượng 2,5 triệu mét lụa các loại/năm, thu nhập của người lao động bình quân trên đầu người đạt 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Dòng Nhuệ giang đã chứng kiến quá khứ hào hùng và nay tiếp tục chứng kiến những bứt phá trên đường đổi mới của làng Vạn Phúc, nhất là những nỗ lực của thế hệ trẻ nhằm phát huy nghề truyền thống của cha ông, cho tiếng thoi mãi ngân vang, mang lại sự giàu mạnh của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.