Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hết thời xe ba bánh "đội lốt" thương binh?

Triệu Dương| 17/10/2012 06:42

(HNM) - Năm 2008 loại xe ba bánh đã bị cấm hoạt động, chỉ những người là thương binh thực sự có hoàn cảnh khó khăn mới được tạo điều kiện đăng ký một chiếc xe ba bánh để phục vụ sinh hoạt hằng ngày.


Việc quản lý xe ba bánh do thương binh vận hành đều tuân thủ chặt chẽ các quy trình của pháp luật. Song do xe ba bánh tiện lợi trong việc di chuyển ở những địa bàn chật hẹp, ngõ ngách, thế nên nhiều đối tượng đã tự chế xe, giả danh thương binh để qua mặt các cơ quan chức năng, nhận chở hàng thuê, gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị…


Các phương tiện vi phạm bị tịch thu trong buổi sáng ra quân đầu tiên.

Giả danh và hay… ăn vạ

Thời gian qua, việc quản lý xe ba bánh gặp quá nhiều khó khăn, ngay cả thế nào là xe ba bánh, xe tự chế… cũng chưa có văn bản thống nhất. Trên thực tế có nhiều loại xe ba bánh với nhiều kiểu dáng được lưu hành, phổ biến nhất là kiểu dáng giống xe lam - một loại xe ba bánh đã bị cấm vì không bảo đảm các yếu tố về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó cũng có người khéo tay, tự chế cho mình chiếc xe ba bánh có mui và vô lăng cùng màu sơn, ghế ngồi như một chiếc ô tô con… Máy móc loại xe này cũng muôn hình vạn trạng, người nhiều tiền thì sắm máy "xịn" của Nhật, kém cỏi thì lắp máy Trung Quốc. Thực tế đã có những chiếc xe tự chế đang chạy thì bốc cháy, như vụ việc xảy ra ngày 10-1-2012, trên phố Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, một chiếc xe 3 bánh (loại tự chế) bỗng nhiên bốc cháy đùng đùng, người điều khiển chiếc xe là anh Phạm Ngọc Cường (32 tuổi) ở Lĩnh Nam, không phải là thương binh.

Chủ trương đúng đắn, kịp thời

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã nhận được đơn của các thương bệnh binh ở các quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Long Biên, Hoàn Kiếm… đề nghị xử lý một số đối tượng giả danh thương binh sử dụng xe ba bánh để kinh doanh. Các đối tượng lái xe ba bánh giả danh thương binh vẫn hoạt động trên nhiều tuyến phố, gây mất trật tự giao thông, UBND thành phố đã giao CATP, Sở GTVT kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng này. Ngày 16-10 khi ra quân xử lý, các tổ công tác CSGT đều được quán triệt những cách làm hiệu quả nhằm hóa giải những "chiêu bài cùn" thường gặp trước đây của những đối tượng sử dụng xe trái phép, vi phạm pháp luật.


Lực lượng CSGT xử phạt hành chính một trường hợp vi phạm trên đường Giang Văn Minh.

Đại úy Vũ Xuân Hà Thái, Đội CSGT số 1 cho biết: "Trên thực tế, khi kiểm tra, các thương binh thật đều tỏ thái độ hợp tác. Chỉ những đối tượng giả danh mới tìm mọi cách chống đối, từ việc phát ngôn khó nghe đến sử dụng trò kiểu ăn vạ. Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội phó Đội CGST số 2 giải thích: "Trong trường hợp xử lý vi phạm với anh em thương binh, cán bộ chiến sỹ đều được quán triệt phải dùng biện pháp mềm mỏng tuyên truyền về pháp luật để người vi phạm hiểu rõ chủ trương chính sách. Đối với trường hợp gây khó khăn vừa phải xử lý nghiêm theo pháp luật, đồng thời cũng phải tuyên truyền để người vi phạm tâm phục, khẩu phục".

Kiên quyết xử lý

Trước khi triển khai, cuộc ra quân đang gây sự chú ý của dư luận, Thượng tá Đào Vịnh Thắng, quyền Trưởng phòng CSGT Hà Nội đã cho triển khai thí điểm việc xử lý loại xe này ở một số đội CSGT nội thành. Kết quả khả quan khi chỉ riêng trong ngày 15-10 Đội CSGT số 7 đã phát hiện và xử lý hàng chục trường hợp sử dụng trái phép xe ưu tiên dành riêng cho thương binh. Và 8h sáng ngày 16-10, các đội CSGT trong nội thành đồng loạt triển khai ít nhất hai tổ công tác, tăng cường tuần tra cơ động kết hợp lập chốt xử lý nghiêm các vi phạm. Ngoài mức phạt hành chính theo Nghị định 34 của Chính phủ, CSGT sẽ tịch thu phương tiện vi phạm. Thượng tá Đào Vịnh Thắng nói rõ thêm: Hiện nay, trên thực tế đang lưu hành khá nhiều xe ba bánh giả danh xe thương binh, hầu hết đều là những phương tiện cũ, không bảo đảm an toàn. Nhiều lái xe không chấp hành pháp luật giao thông, phóng nhanh vượt ẩu, đi ngược chiều… gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy trong đợt ra quân này, khi kiểm tra, người điều khiển không xuất trình được giấy tờ, lực lượng chức năng sẽ thu giữ phương tiện.

Sáng 16-10, phóng viên có mặt tại nút giao thông chân cầu Long Biên. Các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đây cho biết, không đợi đến đợt ra quân này mà trước đó họ vẫn thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp sử dụng trái phép loại xe trên. Thiếu tá Trần Quang Vinh, Đội phó Đội CSGT số 1 cho biết, trong ba ngày đơn vị đã xử lý gần 10 trường hợp vi phạm. Tại hai chốt trực của Đội CSGT số 2 trên phố Giang Văn Minh và ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh, sáng 16-10 các tổ công tác cũng xử lý gần chục trường hợp vi phạm. Tất cả những "thương binh" thế hệ 8X điều khiển xe ba bánh, khi được hỏi đều không thể xuất trình giấy tờ hợp lệ.

Theo Phòng Quản lý phương tiện, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện thành phố có 517 xe ba bánh, xe bốn bánh của thương binh và người tàn tật trong đó có 216 xe đã được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Thế nhưng con số thực tế những xe này đang hoạt động còn lớn hơn rất nhiều lần. Đặc biệt nhiều xe không được đăng ký, đăng kiểm, hoạt động "chui" rất khó kiểm soát. Có rất nhiều cơ sở sản xuất xe tự chế hoạt động không có bất cứ giấy tờ đăng ký hay điều kiện nào. Chỉ cần 17 - 18 triệu đồng trong vòng 4 ngày là có thể sở hữu một chiếc xe ba bánh mới gắn động cơ xe máy 100 phân khối, có khung sườn và thùng chở hàng bằng thép, chạy với tốc độ tối đa 80km/h, bảo hành 6 tháng… Gần đây nhất, một cơ sở sản xuất loại xe này tại đường Âu Cơ vừa bị lực lượng CA triệt phá đã phần nào nói lên quyết tâm xóa bỏ loại xe này của các cơ quan chức năng.

Việc các cơ quan chức năng thành phố kiên quyết xử lý vấn nạn xe ba bánh tự chế không những nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội và đông đảo thương bệnh binh mà còn thiết thực hướng đến "Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011 - 2020" của Liên hợp quốc đã được phát động tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hết thời xe ba bánh "đội lốt" thương binh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.