Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Hen có thể kiểm soát được tại cộng đồng”

Đức Trung| 02/05/2011 06:46

(HNM) - Đó là chủ đề của Ngày Hen toàn cầu năm nay. Theo điều tra của Chương trình phòng, chống hen toàn cầu (GINA), mỗi năm trên thế giới có từ 100 đến 150 triệu trường hợp mắc bệnh và có trên 2 vạn người tử vong.


Kiểm soát bệnh hen góp phần giảm tỷ lệ tử vong do hen và những nguy cơ mắc hen. Ảnh: Dương Ngọc


TS. Nguyễn Viết Nhung, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi TƯ cho biết, khoảng 5% dân số nước ta mắc hen, trong đó trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 11%. Riêng Hà Nội, tỷ lệ này là 6%. Như vậy, kể từ năm 1961 đến nay, tỷ lệ mắc hen ở nước ta đã tăng gấp 3 lần. Thế nhưng có tới 78% người dân Thủ đô được hỏi không biết hen có thể kiểm soát được. Không chỉ người dân thiếu kiến thức, mà 55% thầy thuốc, bác sỹ, nhất là ở tuyến cơ sở cũng thiếu kiến thức về căn bệnh này, không biết hen được quản lý, theo dõi thế nào… dẫn đến chẩn đoán nhầm (chẩn đoán hen thành viêm phế quản dạng hen, viêm phế quản co thắt) hoặc bỏ sót bệnh. Theo bác sỹ Bệnh viện Nhi TƯ, có trường hợp bệnh nhi 4 tuổi (ở Hưng Yên) bị hen vào cấp cứu trong tình trạng co thắt, khó thở, người đã tím tái, mắt nhắm nghiền, nếu cấp cứu chậm trong vòng 2-3 phút thì bệnh nhi này có thể tử vong. Cha mẹ bệnh nhi này cho biết, cháu thường xuyên ho, khó thở nặng vào ban đêm, bác sỹ thường cho uống kháng sinh để điều trị và chưa bao giờ chẩn đoán cháu bị hen.

Bệnh hen là một bệnh lý của đường hô hấp, mà nền tảng là tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm cơ thể gia tăng tình trạng "nhạy cảm quá mức" với các tác nhân kích thích như bụi, khói, than củi, phấn hoa, thức ăn, thời tiết... Khi tiếp xúc với các tác nhân kích thích này, đường thở sẽ co thắt, hẹp lại, cản trở không khí, gây ra các triệu chứng ho, khò khè, tắc nghẽn đường thở. Viêm đường hô hấp mạn tính và co thắt là nguyên nhân của mọi triệu chứng hen, những đợt hen cấp tính nặng có thể gây tử vong.

Nhiều thầy thuốc và bệnh nhân chỉ chú trọng điều trị cơn hen (khi tái phát hoặc khởi phát) hơn là điều trị bệnh hen, chỉ có khoảng 5% bệnh nhân hen trên cả nước được kiểm soát tốt (Hà Nội là 40%). Do chưa được kiểm soát tốt nên 95% bệnh nhân còn lại phải gánh chịu những chi phí gián tiếp cho điều trị bệnh rất lớn: Số ngày mà người nhà phải nghỉ làm để chăm sóc và người bệnh phải nghỉ việc để điều trị vào khoảng 10-30 ngày/năm, chiếm 43% số trường hợp phải điều trị; nghỉ trên 30 ngày/năm chiếm 25%… Trên thế giới, số năm tàn phế do hen ước tính là 15 triệu năm, tương đương với bệnh tiểu đường, xơ gan và tâm thần phân liệt. Chi phí để điều trị cho một bệnh nhân hen lớn hơn chi phí cho bệnh lao và HIV cộng lại với khoảng 484 USD/bệnh nhân/năm, chiếm 5,5-14,5% tổng thu nhập của gia đình người bệnh. Những chi phí này đang là một gánh nặng không nhỏ đối với gia đình bệnh nhân và xã hội.

Đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo lại

GS. Nguyễn Năng An, Chủ tịch Hội Hen và Dị ứng miễn dịch lâm sàng Việt Nam cho rằng, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới việc chúng ta kiểm soát hen kém, đó là việc áp dụng các liệu pháp kiểm soát hen còn thấp, chưa tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về quản lý hen, chưa đánh giá đúng mức độ nặng nhẹ và tình trạng kiểm soát của bệnh. Vì không được điều trị dự phòng tốt, không có nhận thức đầy đủ về bệnh, không được giải quyết kịp thời khi lên cơn hen nên nhiều trường hợp dẫn đến tử vong. Vì vậy, việc kiểm soát hen cần phải đưa ra cộng đồng, phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhận thức về bệnh hen. Cần phải đào tạo lại và nâng cao kiến thức về điều trị bệnh hen cho các thầy thuốc, điều dưỡng viên. Việc này cần làm thường xuyên để tạo ra hệ thống phòng, chống hen từ trung ương đến địa phương. Mặt khác, theo PGS -TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Phổi TƯ, "chúng ta cần xây dựng bản hướng dẫn thực hiện chiến lược phòng, chống hen phù hợp thực tế của các địa phương, có chú ý đến bệnh nhân nghèo; cần lồng ghép công tác phòng, chống hen với việc thực hiện các chiến lược chăm sóc sức khỏe các bệnh phổi khác nhằm tăng tính khả thi và mang lại hiệu quả cao hơn". Bên cạnh đó, nước ta cũng cần đầu tư nghiêm túc cho việc nghiên cứu, điều tra tỷ lệ mắc, tử vong do hen và những nguy cơ mắc hen để có thêm các bằng chứng khách quan về tính chất nguy hiểm của bệnh.

GINA khẳng định, bệnh hen hoàn toàn có thể chữa khỏi được. Phác đồ điều trị mới của GINA là sử dụng thuốc dự phòng hen là chính. Thuốc dự phòng này thuộc nhóm corticoid dạng hít hoặc dạng phối hợp với thuốc cắt cơn tác dụng kéo dài. Điều trị theo phác đồ GINA, 97% bệnh nhân không còn triệu chứng và cơn hen kịch phát. Tại Việt Nam, sau 1 năm điều trị, không còn bệnh nhân nào phải nghỉ học, nghỉ làm, nhập viện, cấp cứu; sau 3 năm điều trị, 95% số bệnh nhân không còn cơn hen.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hen có thể kiểm soát được tại cộng đồng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.