(HNM) - Khai quật khu vực Hoàng thành (18 Hoàng Diệu), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các máng dẫn nước thải từ Hoàng thành ra sông Tô Lịch.
Dựa vào sông hồ
Về địa hình, Hà Nội cao ở phía bắc và tây bắc, thấp dần về phía nam. Đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc tiêu nước vào mùa mưa, hạn chế úng ngập trong thành cũng như khu vực "36 phố phường".
Tô Lịch bây giờ chỉ là cống thoát nước lộ thiên nhưng thời Lý - Trần - Lê, con sông nằm ở phía tây thành phố là đường giao thông quan trọng đi từ ngoài vào trong thành, đồng thời sông cũng là đường thoát nước. Còn sông Kim Ngưu ở phía nam với các phân lưu là Sông Sét, Sông Lừ cũng có chức năng như sông Tô Lịch. Khi hồ Thanh Nhàn được cải tạo trong thập niên thứ bảy thế kỷ trước, người ta đã phát hiện ra hàng chục cây gỗ có đường kính rất lớn dưới đáy hồ. Có lẽ xưa, nơi đây là bến lớn trên con sông này. Cùng với sông, Hà Nội có rất nhiều hồ ao nên người ta gọi Hà Nội là "thành phố sông hồ". Từ phố Hàng Than ngày nay kéo dài xuống phố Lò Đúc, xưa có các hồ lớn như: Mã Cảnh, Hàng Đào, Lục Thủy. Thời Lê Trung Hưng, Lục Thủy bị chia làm hai: Tả Vọng (Hồ Gươm ngày nay) và Hữu Vọng (đã bị lấp).
Rãnh thoát nước thời Lý được khai quật trong Hoàng thành Thăng Long. |
Cùng với các hồ lớn nằm gần đê Sông Hồng, còn có các hồ nhỏ hơn như: Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Phương Liệt… Nói chung, các hồ này thông với nhau và là nơi tích nước trong mùa mưa. Khi hồ đầy thì nước sẽ chảy ra sông Kim Ngưu hạn chế úng ngập cho thành và khu vực "36 phố phường". Ở phía tây, các hồ Giảng Võ, Ngọc Khánh, Thủ Lệ, Thành Công… cũng tích nước vào mùa mưa nhưng chảy ra sông Tô Lịch. Tuy nhiên, vào những năm mưa lớn, nước to thì Thăng Long vẫn bị ngập úng vì nước sông hồ đều đầy dẫn đến tiêu thoát chậm. Theo "Đại Việt sử ký", thời nhà Lý, cửa Đại Hưng (tương ứng với khu vực Cửa Nam hiện nay) của thành Thăng Long nhiều lần bị ngập.
Thời Nguyễn, khu vực "36 phố phường" chỉ có các rãnh thoát nước hai bên đường, nước mưa và nước thải sinh hoạt đổ vào các rãnh này. Nhưng do độ dốc giữa các phố không lớn nên nước thoát chậm, lại không được nạo vét thường xuyên làm nước ứ đọng. Mặt khác, đến đời vua Tự Đức, nhiều ao hồ khu vực này bị lấp nên nước thải và nước mưa càng khó tiêu thoát. Trong cuốn "Một chiến dịch ở Bắc kỳ", bác sĩ Hocquard đã mô tả chợ và đường ở một vài phố bắt đầu bằng tên Hàng năm 1883 như sau: "Chợ họp lấn ra giữa đường. Mỗi lần có xe ngựa của nha huyện Thọ Xương đi qua, người đi chợ tránh xe phải lội xuống rãnh thoát nước, bùn ngập trên mắt cá chân".
Tuy nhiên, mùa mưa, khu vực này ít ngập úng vì cao hơn phía Hồ Gươm nên nước dễ tiêu thoát.
Hệ thống cống ngầm
Ngay sau khi chiếm trọn Hà Nội cuối năm 1883, Bonnal - công sứ đầu tiên của Hà Nội đã lên kế hoạch và bắt tay cải tạo thành phố. Năm 1885, con đường chiến lược từ khu nhượng địa Đồn Thủy vào trong thành đã hoàn thành. Hai bên đường có cống ngầm thoát nước. Tiếp đó, thành phố cho làm đường vòng quanh Hồ Gươm có các cống thoát đổ xuống hồ, con đường được khánh thành dịp Tết năm 1893. Từ năm 1886 đến 1891, Thống sứ Bắc kỳ và Đốc lý Hà Nội đã ban hành nhiều nghị định về quản lý đô thị, an ninh trật tự, nhất là về xây dựng với các điều khoản rất chi tiết. Nghị định về quản lý xây dựng cấm không cho dân làm nhà lá, làm nhà mới phải thẳng hàng theo mốc giới đã cắm, nhà nào cũng phải có đường thoát nước sinh hoạt đổ ra cống chung dọc hai bên phố. Tính đến ngày 1-1-1897, Hà Nội mới có 3.600m cống thoát nước, nhưng đến năm 1901, thành phố đã có 19km cống thoát nước. Cùng với hệ thống cống, chính quyền cho nâng cao cốt nền ở khu vực "36 phố phường" (cốt nền tự nhiên là 6 mét) lên 1 mét, có nơi 1,5 mét.
Đô thị hóa diễn ra nhanh dẫn đến ao hồ bị lấp và đường cống thoát nước từ phố Hàng Đường xuống Hàng Ngang, Hàng Đào đổ xuống Hồ Gươm làm cho hồ bị ô nhiễm về mùa khô. Để hạn chế tình trạng này, năm 1901, chính quyền thành phố quyết định làm cống ngầm từ Hồ Gươm ra Sông Hồng. Vào mùa khô, nước từ Hồ Gươm sẽ chảy ra Sông Hồng, vào mùa mưa nước Sông Hồng lên cao sẽ chảy vào hồ có tác dụng lọc nước. Nhưng cống chỉ tồn tại được mấy năm do cát Sông Hồng bồi lấp và cho đến nay, cũng không rõ đường cống ấy nằm ở đoạn nào. Cho đến khi khu phố mới cơ bản hoàn thành (tương ứng một phần quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng hiện nay) và chỉ với 1.000ha nhưng khu vực này có 74km đường cống thoát nước với đường kính lớn nên hầu như không xảy ra úng ngập. Thế nhưng chỉ khu vực nội thành mới có hệ thống cống ngầm, khu vực sát nội đô thoát nước vẫn trông chờ vào hệ thống sông, mương. Trong dự án quy hoạch mở rộng Hà Nội năm 1943, có cải tạo và mở rộng hệ thống thoát nước nhưng do chiến tranh nên dự án không thực hiện được. Thời kỳ bao cấp, Hà Nội cũng xây dựng thêm một số đường thoát nước mới nhưng cơ bản vẫn là hệ thống thoát nước cũ.
Chuyện quanh cống thoát nước
Thời Pháp thuộc, phu móc cống bị coi là tầng lớp dưới đáy xã hội. Công việc hằng ngày rất vất vả, họ phải chui xuống các hố ga hôi thối móc bùn, thông tắc chất thải nhưng đồng lương rất thấp. Đó là cái nghề mà nhiều gia đình thời bao cấp vẫn dùng giáo dục con cái: "Không chịu khó học, sau này chỉ có đi móc cống thôi". Ấy thế mà chính những đường cống ấy đã giúp các chiến sĩ cộng sản trở về với đồng đội tiếp tục hoạt động cách mạng. Hiện trong Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò trưng bày những ống cống là chứng tích của cuộc vượt ngục khỏi nhà tù này của tù chính trị.
Cuộc vượt ngục được kể lại trong cuốn sách "Đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại Nhà tù Hỏa Lò (1899-1954)": Trưa ngày 11-3-1945, lính Nhật đưa hai người tù ở Sơn La về giam tạm trong trại J (trại giam trẻ em) đợi ngày cho ra. Trong lúc nhốn nháo, ba chiến sĩ Vân, Hòa, Cử đã lẻn vào theo để tìm chỗ trốn. Vào đây, các ông nhìn thấy một nắp cống, liền bàn với nhau. Ba chiến sĩ tìm cách bẩy nắp cống lên và hai ông Hòa, Cử đã chui xuống thăm dò, ở trên ông Vân đậy nắp và canh phòng. Khoảng 30 phút sau, hai chiến sĩ chui lên cho biết là đi được và lập tức các chiến sĩ báo tin này cho đồng chí Trần Tử Bình để bàn tính kế hoạch cụ thể. Đồng chí Trần Tử Bình đồng ý nhưng sợ đi đông dễ bị lộ nên chọn khoảng 30 người, trong đó có các đồng chí bị án nặng. Theo đúng kế hoạch đã được vạch sẵn, đợi trời tối hẳn, đồng chí Trần Tử Bình hạ lệnh mở nắp cống. Đó là tối 11-3-1945 và cuộc vượt ngục thành công. Chỉ hai ngày sau, tất cả đều đã bắt liên lạc được với Đảng, tiếp tục hoạt động cách mạng, tỏa về các địa phương tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Một chuyện khác về cống ngầm là những năm 1996 - 1997, tại phố Hàng Bạc xuất hiện những người đi mót vàng dưới cống. Hầu hết là người Huế. Họ xin phép đơn vị quản lý chui xuống các hố ga xúc bùn, sau đó đãi vàng cám. Có lẽ họ nghĩ các gia đình gia công vàng ở phố này trong quá trình chế tác thế nào cũng để bụi vàng rơi vãi và có thể sẽ trôi xuống cống. Vất vả nhưng kết quả thu được không bõ với công sức bỏ ra nên sau một tuần họ dừng công việc này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.