Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ thống bán lẻ của Hà Nội: Vừa thừa, vừa thiếu

Thanh Hiền| 20/08/2014 05:50

(HNM) - Cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) tiếp cận mặt bằng kinh doanh; các sở, ngành phải xây dựng và thực hiện đúng quy hoạch phát triển hệ thống bán lẻ; hạn chế đặt thêm siêu thị tại khu vực trung tâm, khuyến khích DN mở hệ thống bán buôn, bán lẻ tại khu vực ngoại thành…


Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo "Phát triển hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội trong điều kiện hội nhập quốc tế và chuẩn bị hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN" được tổ chức ngày 19-8 tại Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì.

Quá nhiều bất cập

Hà Nội hiện có 418 chợ dân sinh, 135 siêu thị, 24 trung tâm thương mại (TTTM). Các DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại nổi bật phải kể đến chuỗi siêu thị bán lẻ Big C, TTTM Parkson và các thương hiệu khác như Unimart, LotterMart… Mặc dù, số lượng siêu thị lớn, nhưng việc phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại các quận nội thành là nơi có nhiều lợi thế thương mại đầu tư, mang lại hiệu quả kinh doanh cao. Trong khi đó, tại các huyện ngoại thành, số lượng siêu thị quá ít, hiệu quả kinh doanh không cao do thu nhập cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân còn hạn chế. Các loại hình TTTM trên địa bàn Thủ đô còn đơn điệu, chủ yếu là trung tâm mua sắm phục vụ bán lẻ, chứ chưa có các TTTM quốc tế, các trung tâm bán buôn và trung tâm logisctic lớn… nên chưa đáp ứng được mục tiêu phát triển Hà Nội thành TTTM của cả nước và của quốc tế.

Chọn mua hàng tại siêu thị. Ảnh: Thanh Hải



Như nhận định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, mạng lưới bán lẻ của Thủ đô hiện phát triển theo hướng tự phát, cơ sở hạ tầng thương mại yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập và chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô!

Thực tế cho thấy, việc phân bố mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố hiện nay chưa hợp lý cả về khoảng cách và quy mô dân số. Mặc dù các địa phương đã tích cực chỉ đạo, thực hiện công tác đầu tư xây dựng, chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác nhưng tiến độ cải tạo, xây dựng chợ trên địa bàn vẫn chậm, nhất là khu vực ngoại thành. Trong khi đó, trên địa bàn các quận nội thành vẫn tồn tại nhiều chợ tạm, chợ cóc. Ông Nguyễn Quốc Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho rằng, sự tồn tại của các cơ chế quản lý cũ đã để lại nhiều vướng mắc về pháp lý khiến DN không thể đầu tư cải tạo, nâng cấp hay thay đổi mô hình kinh doanh, dẫn đến hiệu quả khai thác hạn chế. Bên cạnh đó, sự yếu kém về hệ thống hạ tầng thương mại như kho bãi, giao thông, nguồn hàng… cũng như yếu về vốn đã làm hạn chế tính chủ động của DN bán lẻ.

Hiến kế, tìm giải pháp

Để phát triển hệ thống bán lẻ, các chuyên gia cho rằng, UBND TP Hà Nội cần khẩn trương có quy hoạch chi tiết hệ thống bán buôn bán lẻ kết hợp với quy hoạch phát triển tổng thể đô thị của Hà Nội. Theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn Hà Nội cần đầu tư xây dựng mới 1.041 siêu thị, TTTM và 595 chợ. Mặc dù thành phố đã có quy hoạch, nhưng quỹ đất dành cho thương mại còn ít, nên khó bố trí việc xây dựng siêu thị, TTTM, chợ tại địa bàn các quận trung tâm và tại khu vực trung tâm của các huyện, thị xã. Bên cạnh đó, ông Phạm Quốc Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội kiến nghị, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN phân phối trong nước tiếp cận mặt bằng kinh doanh có vị trí thuận lợi qua nhiều hình thức như thuê, mượn, trả dần tiền thuê; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình cấp giấy phép hoạt động, ưu đãi về thuế, cung cấp thông tin liên quan đến thị trường địa phương. Một số ý kiến khác lại cho rằng, Hà Nội cần xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công khai minh bạch nhằm hỗ trợ sản xuất, xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý… cho các DN trong nước. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng phải quyết liệt ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng thâm nhập vào phá giá thị trường, kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ độc quyền…

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định, để phát triển hệ thống bán lẻ Hà Nội theo hướng văn minh, hiện đại, các sở, ngành cùng các DN bán lẻ Hà Nội phải tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, quảng bá hình ảnh thương mại Thủ đô; nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng thương mại hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu của các DN người tiêu dùng. Cùng với đó cần nâng cao sự cạnh tranh và hợp tác bình đẳng với các DN, tập đoàn bán lẻ nước ngoài; đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt. Đặc biệt, các DN nên kinh doanh siêu thị theo chuỗi để thu hút nhiều nguồn lực đầu tư đa dạng cho phát triển mạng lưới phân phối hiện đại và thu hút nhiều hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng; Chú trọng phát triển các chuỗi liên kết theo phương thức nhượng quyền kinh doanh và các chuỗi liên kết tự nguyện của các siêu thị nhỏ, các cửa hàng chuyên doanh để tăng cường năng lực cạnh tranh; nâng cấp và mở rộng mạng lưới bán lẻ ở khu vực ngoại thành...

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát và hoàn thiện các cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải tiến công tác điều hành và quản lý thị trường, quản lý kinh tế vĩ mô linh hoạt. Mặt khác, thành phố sẽ cùng các ngành hỗ trợ DN phát triển công nghiệp hỗ trợ và sản xuất nội địa nhằm bảo đảm tỷ lệ nội địa hóa; tìm những phân khúc, thị trường ngách, những mắt xích phân công trong chuỗi sản xuất khu vực và quốc tế, nhằm tạo ra sự khác biệt và nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống bán lẻ của Hà Nội: Vừa thừa, vừa thiếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.