Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hé lộ nhiều thông tin khoa học có giá trị

Lâm Vũ| 08/12/2011 06:49

(HNM) - Kết quả khai quật khảo cổ học suốt tháng 10 và 11 tại điện Kính Thiên (thuộc Hoàng thành Thăng Long, số 9 Hoàng Diệu) vừa được Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội công bố.

- Phát hiện quan trọng nhất của lần khai quật này là gì, thưa GS?

- Diện tích khai quật rất hẹp, bốn hố quanh nền điện Kính Thiên chỉ có 60m2, hai hố phía nam mỗi hố 10m2, hai hố phía bắc mỗi hố 20m2. Một hố gần Hậu Lâu về phía tây bắc, rộng hơn 40m2. Hố thứ 5 này nằm ngoài trục trung tâm nên không thấy dấu tích cung đình cổ, chỉ thấy vết tích của một ao, hồ gì đó và một số kiến trúc về sau này như móng tường gạch thời Nguyễn và thời Pháp. Bốn hố khai quật quanh nền điện Kính Thiên đã hé lộ nhiều thông tin khoa học có giá trị. Hai hố ở chân bậc thềm bên cạnh hai lan can đá trước nền điện đã cho thấy toàn bộ lan can này cùng 9 bậc thềm trước đây một phần bị lấp chìm trong đất. Lan can đá được vua Lê Thánh Tông xây dựng năm 1467, chạm trổ rất tinh tế trên một tấm đá nguyên khối. Hố khai quật cũng làm rõ diễn tiến di tích từ thời Lê sơ (1428-1527) cho đến thời Pháp. Di tích thời Lê sơ gồm nền gạch vồ đặc trưng của thời này, ở độ sâu gần 1m, cùng tính chất và độ sâu của sân Đan Trì đã tìm thấy trước đây. Tiếp theo là nền móng gia cố thời Lê Trung Hưng và bậc thềm rồng phía sau nền điện, làm xuất lộ đầy đủ hai lan can hình rồng đầu thế kỷ XVII. Các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy dấu tích của ít nhất hai lần tu sửa thời Nguyễn. Cụ thể điện Kính Thiên đã bị thu nhỏ lại để làm Hành cung Bắc Thành thời Gia Long và hành cung Long Thiên thời Thiệu Trị. Tiếp theo là những dấu tích thời Pháp khi cung điện này bị phá hủy để xây dựng Sở Chỉ huy pháo binh của quân đội Pháp.

Hai hố khai quật khía sau nền điện, trong tầng văn hóa sâu nhất đã tìm thấy di tích và một số di vật thời Lý, Trần, nhưng vì diện tích khai quật quá hẹp nên chưa rõ lắm.

- GS có thể cho biết cụ thể về những hiện vật có niên đại từ thời Lý, Trần?

- Vì diện tích khai quật quá hẹp và các nhà khảo cổ học không được phá các lớp di tích phía trên để đào sâu xuống các lớp phía dưới nên dấu tích thời Lý, Trần chưa rõ. Tại hai hố phía sau nền điện đã tìm thấy một số di vật thời Lý, Trần như đồ gốm men, vật liệu xây dựng trong đó có gạch khắc chữ "Vĩnh Ninh trường" (thời Trần)... Đó là tín hiệu cho thấy trong khu trung tâm này, rồi đây khai quật trên diện rộng sẽ tìm thấy các di tích cung điện trước thời Lê sơ.

- Theo GS, nên xử lý thế nào với phát hiện mới này?

- Tôi đã đề nghị Viện Khảo cổ học lập hồ sơ khoa học thật tốt để lưu giữ làm tư liệu và nên sớm công bố để các nhà khoa học có thể tham gia nghiên cứu. Sau khi chỉnh lý hiện vật, Trung tâm thành Cổ Loa và Hoàng thành Thăng Long nên tổ chức trưng bày để mọi người có điều kiện trực tiếp chia sẻ những giá trị của phát hiện khảo cổ học này. Tuy nhiên, việc bảo tồn di tích khảo cổ học rất khó nên trước mắt cần lấp cát để bảo tồn trong lòng đất, sau khi khai quật trên diện rộng và nghiên cứu kỹ sẽ xây dựng kế hoạch bảo tồn lâu dài.

- Trong thời gian tới, chúng ta sẽ triển khai tiếp việc khai quật như thế nào, thưa GS?

- Khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Chính phủ Việt Nam đã cam kết mở rộng khai quật khảo cổ học. Do đó cần có một kế hoạch lâu dài khai quật khu Thành cổ Hà Nội để nghiên cứu và bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Trong kế hoạch đó, việc khai quật để nghiên cứu di tích điện Kính Thiên là một trọng điểm có ý nghĩa, giá trị về nhiều mặt. Theo tôi biết, sau lần thám sát này, sẽ có kế hoạch khai quật trên diện rộng phía trước nền điện Kính Thiên để thấy rõ hơn quan hệ giữa điện Kính Thiên với sân Đan Trì thời Lê sơ và các lớp di tích trước thời Lê sơ tức thời Lý, Trần. Tôi hy vọng khai quật khảo cổ học sẽ cung cấp những thông tin đáng tin cậy để phục dựng diện mạo của khu vực trung tâm quan trọng này của Cấm thành Thăng Long.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hé lộ nhiều thông tin khoa học có giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.