(HNM) - Tin ông "Vua hài đất Bắc" Xuân Hinh ra đĩa "Hề chèo Xuân Hinh" vào tháng 6 tới khiến những người thích được chọc cười ý nhị, sâu cay cảm thấy an lòng bởi lâu rồi, khán giả ít được thưởng thức sự gây cười thâm thúy.
Sân khấu còn mấy anh hề?
Chèo thì không thể thiếu hề, điều đó đã được khẳng định. Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng "phi hề bất thành chèo". Nhưng, thật tiếc là đội ngũ hề chèo thực thụ đang ngày một ít đi.
NSƯT Xuân Hinh trong hình tượng hề chèo. |
Điểm mặt anh tài, "bói" mãi cũng chỉ thấy vài gương mặt quen thuộc như Xuân Hinh, Quốc Trượng, Minh Kha - lứa học trò của cố nghệ sỹ Mạnh Tuấn. Tuy học cùng một thầy, cùng sự khổ luyện, song mỗi người lại có một phong cách nghệ thuật riêng. Sau này, khi về Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần, NSƯT Quốc Trượng còn có công đào tạo các gương mặt hề chèo mới nhiều triển vọng như Tự Long, Xuân Nghĩa. Tự Long nhanh chóng đứng vào hàng ngũ diễn viên được khán giả biết mặt, nhớ tên, bắt đầu từ "Bác sĩ Hoa Súng", rồi anh liên tục có mặt trong chương trình "Gặp nhau cuối tuần", "Gặp nhau cuối năm", trong các vai ông Công, ông Táo… Tự Long có bạn diễn khá ăn ý là Xuân Bắc, diễn viên kịch nói. Còn Xuân Nghĩa cũng nhanh chóng trở thành gương mặt cười mới của Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần và trở thành bạn diễn ăn ý với Quốc Trượng trong nhiều vở.
Riêng Xuân Hinh thì khi về Nhà hát Chèo Hà Nội đã ngay lập tức trở thành gương mặt sáng giá, nổi đình đám trong nhiều đêm diễn. Xuân Hinh vào vai rất ngọt với loạt hề áo ngắn như hề gậy, hề mồi… Ngoài ra, người xem còn biết tới các hề chèo "tay ngang" như Quốc Anh, Thu Huyền, Thu Hằng... xuất hiện trong các trích đoạn chèo trên sân khấu, câu lạc bộ. Mặc dù vậy, đội ngũ hề chèo ngày một hiếm hoi và gần đây chưa thấy xuất hiện những gương mặt triển vọng.
Đâu là nguyên nhân?
NSND Trần Đình Ngôn cho rằng để diễn được một vai hề cho ra chất hề là không đơn giản. Ngoài cái duyên, cái chất riêng thì người diễn phải được trang bị đầy đủ kiến thức về chèo, về những bài hát hề để từ đó ngấm vào vai. Nếu không ngấm, diễn sẽ nhạt. Diễn viên đóng vai hề nếu không say nghề, không yêu nghề thì khó mà diễn được cho ra một anh hề chứ đừng nói đến việc được khán giả nhớ tới. Nhiều đạo diễn cho rằng, để tìm diễn viên cho các vai chính diện có khi lại dễ hơn tìm một anh hề giỏi.
Đáng tiếc là không ít vở chèo hiện nay đã lấy việc đốt nhọ, bôi mồm cho hề để tạo tiếng cười. Anh hề bước ra sân khấu với khuôn mặt méo mó, nhòe nhoẹt, cùng những động tác thô tục để mua những tràng cười vô hồn từ dưới sân khấu. Ngay cả ở những vở chèo hiện đại có sự chăm chút cho phần lời thì vai hề cũng thường không đạt đến tầm. Nhìn xa hơn nữa sẽ thấy chèo cổ dùng khá nhiều điển tích lẫn cách chơi chữ Hán Việt, không có vốn kiến thức văn hóa nhất định thì không hiểu được. Những bất cập này càng khó hóa giải khi đội ngũ viết kịch bản chèo ngày một thiếu và già đi. Hơn thế, chế độ đãi ngộ đối với diễn viên nghệ thuật dân tộc quá thấp, nhiều diễn viên trẻ có tài năng nhưng lại không có chỗ đứng trong các nhà hát, nên không có cơ hội để phát triển.
Mai này, nhỡ "bói" không ra hề giỏi, nghệ thuật chèo sẽ ra sao?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.