(HNM) - Đạo diễn, nhà quay phim Trịnh Quang Tùng (Hãng phim Tài liệu và khoa học TƯ) có nghệ danh
Mới đây, anh vừa cho ra mắt những thước phim lay động lòng người trong bộ phim truyện nhựa đề tài hậu chiến "Người trở về". Dịp này, nhà quay phim Trịnh Quang Tùng có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới.
Đạo diễn, nhà quay phim Trịnh Quang Tùng. |
- Chúc mừng anh về ê-kíp làm phim "Người trở về", chỉ vài buổi chiếu ít ỏi nhưng đã gây ấn tượng tốt đẹp với khán giả. Đã hợp tác với đạo diễn Đặng Thái Huyền trong bộ phim "13 bến nước" từng đoạt giải Liên hoan phim Việt Nam, anh có thể chia sẻ với bạn đọc về sự tiếp tục hợp tác với đạo diễn 8X này?
- Tôi và Đặng Thái Huyền là bạn học cùng khóa, tôi học quay phim còn bạn ấy học đạo diễn. Trong thời gian học tại Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội chúng tôi đã có nhiều dịp hợp tác và nhận ra có sự tương đồng trong quan điểm về nghệ thuật. Từ ngày ra trường tôi đã quay cho Huyền 4 phim truyện, trong đó có 3 phim truyền hình và 1 phim điện ảnh.
- Khán giả cho rằng những góc quay được chăm chút của anh đã góp phần khắc họa hình tượng xúc động của nhân vật Mây trong "Người trở về"?
- Từ khi đọc kịch bản tôi đã cảm nhận rõ về nhân vật Mây, một người con gái đẹp, đầy sức sống, lên đường vì tiếng gọi non sông, đại diện cho bao thanh niên đã không tiếc máu xương hiến dâng cho Tổ quốc vì mục tiêu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước… Ngày về mang trên mình bao nhiêu đau đớn, mất mát, tất cả đã đè nặng lên đôi vai gầy bé nhỏ của người con gái Sông Châu... Trái tim đầy vết thương nhưng với tinh thần của một người lính không dễ gì bị quật ngã, Mây đối mặt với sự thật. Nhưng cuộc sống không yên ả như cô nghĩ, nó vô tình làm cô đau đớn, đau đớn đến tột cùng…
Nhân vật Mây ám ảnh tôi. Tôi nghĩ nhiều, rồi yêu nhân vật ấy, đó là lý do mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc trong từng khuôn hình của nhân vật, của bộ phim.
- Có đạo diễn cho rằng, thực hiện xong một tác phẩm điện ảnh, có khi cả tháng sau vẫn sống trong trường xúc động, ám ảnh của bộ phim. Anh có cảm giác ấy không với "Người trở về"?
- Tôi tưởng mình đã quá quen với câu chuyện, với nhân vật, bối cảnh thì cảm xúc cạn đi, nhưng khi xem bản phim hoàn thiện với tư cách khán giả thì cảm xúc lại ùa về, nhiều trường đoạn làm tôi chảy nước mắt. Về cảm giác cả tháng vẫn sống trong trường xúc động, ám ảnh thì có lẽ tôi đã có nó khi làm phim tài liệu.
- Qua "Người trở về", anh nghĩ gì về lực lượng trẻ làm phim chiến tranh hôm nay?
- Theo tôi giá trị về hiện thực thì không thay đổi, nhưng mỗi giai đoạn lịch sử lại có những quan điểm, cách nhìn khác nhau. Với một tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh, quan trọng là các nhà làm phim trẻ khai thác khía cạnh nào, góc độ nào, từ đó mỗi nghệ sĩ sẽ tự tìm con đường thích hợp để kể câu chuyện của mình. Hãy tin ở họ, niềm tin của khán giả sẽ giúp họ vượt qua khó khăn, đó là yếu tố quan trọng để họ làm tốt vai trò của mình.
- Từng giành nhiều giải thưởng như đạo diễn phim khoa học xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17, giải quay phim xuất sắc nhất tại hai kỳ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15, 16 và hàng loạt giải thưởng khác, anh có bí quyết gì cho mỗi tác phẩm điện ảnh mà mình làm đạo diễn hoặc quay phim?
- Tôi không có bí quyết gì ngoài tình yêu, niềm đam mê và tâm niệm cái gì cũng làm hết sức; nhưng yếu tố may mắn là quan trọng trong từng bước đi của tôi.
- Vừa làm đạo diễn vừa là quay phim, điều này chắc chắn đem lại sự thuận lợi cho anh trong công việc? Nếu phải chọn lựa thì anh chọn công việc nào?
- Sau khi ra trường tôi làm quay phim là chính, gần đây tôi học thêm chuyên ngành đạo diễn và chuyển sang làm đạo diễn phim tài liệu và khoa học. Quay phim và đạo diễn, hai công việc này giúp tôi có cái nhìn bao quát tốt hơn trong nghề.
Nếu phải chọn ư? Tôi không bị áp lực để phải lựa chọn, tôi chỉ làm quay phim hoặc đạo diễn khi thấy vấn đề, câu chuyện đó làm tôi xúc động và có ý nghĩa xã hội.
- Có ý kiến cho rằng trong các khâu của điện ảnh Việt Nam thì quay phim đã tiếp cận gần với "trình" của điện ảnh thế giới...
- Theo tôi thì không hoàn toàn đúng. Chúng ta đều biết quay phim có hai phần rất rõ, một phần là kỹ thuật, một phần là nghệ thuật. Kỹ thuật thường theo tiêu chuẩn quốc tế, cái chung, còn nghệ thuật thì phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố con người, bản sắc văn hóa riêng của quốc gia đó. Nếu nói tiếp cận ở đây là tiếp cận công nghệ kỹ thuật thì có lẽ đúng hơn...
- Anh sinh năm 1975, trông cũng không phải là già nhưng vì sao có nghệ danh "Tùng jà"?
- Hồi đi học, tôi nhiều tuổi nhất lớp, học với lứa sinh năm 1981. Trước đó tôi đã học chuyên về kỹ thuật video và dựng phim. Chú Lương Đức ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương bảo "mày có tố chất tạo hình, nên đi học quay phim, không thì phí", thế là bỏ công việc, thi rồi đỗ, khi vào trường may mắn được thầy Trần Trung Nhàn chủ nhiệm, dạy dỗ và đặt cho hai tên: Trương Nghệ Tùng và "Tùng jà" vì già nhất lớp. Tôi thích tên "Tùng jà" hơn nên từ đó cái tên ấy theo tôi đến bây giờ, chứ nhìn mặt cũng chưa "dừ" lắm đâu nhé (cười)!
- Anh có thể nói về bộ phim đang thực hiện?
- Tôi đang đạo diễn phim tài liệu có tên kịch bản "Lang thang như đám mây trời" và một vài phim đặt hàng của các đơn vị...
- Cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.