(HNM) - VTV đã có những khởi động nhằm đầu tư mạnh mẽ, tạo hình ảnh mới cho mảng phim truyền hình. Ngoài 36 tập "Hai phía chân trời" được quay ở nước ngoài, mỗi tập được đầu tư hơn ba trăm triệu đồng, quảng bá rầm rộ trước thời điểm phát sóng, còn có một dự án phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học tiêu biểu giai đoạn 1930-1945 chuẩn bị trình làng năm tới.
Theo ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập (Đài THVN) cho biết thì mảng phim truyền hình sẽ được mở rộng đầu tư, tiến tới xuất khẩu. Đây là mục tiêu lâu dài, không phải trong một sớm một chiều. Và hoạt động này cũng mang một ý nghĩa lớn hơn là góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Có thể, nhiều người sẽ đồng tình với nhận định phim truyền hình Việt có đổi mới, nhưng nói rằng sẽ xuất khẩu được phim thì không ít người còn hoài nghi. Phong độ thiếu ổn định, những phim giải trí có chất lượng vẫn ít ỏi. Trên màn ảnh nhỏ, khán giả nhà vẫn không có nhiều sự lựa chọn với phim Việt, thời gian dành cho điện ảnh Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế. Vậy nên, tiếp tục đổi mới, đầu tư mạnh cho phim truyền hình của một đài truyền hình quốc gia cũng là việc đến lúc phải đến, không có gì quá ngạc nhiên. Và cũng chẳng nên vì sự nghi ngờ của công chúng mà dừng bước.
Còn nhớ điện ảnh Hàn Quốc những năm 1986 cũng như ta thôi, nhưng 10 năm sau họ đã có những bước đi được ví như "thoát khỏi rừng lau" mà động lực chính là sự đổi mới trong cả chính sách lẫn sự đầu tư. Bên cạnh phim ra rạp, phim truyền hình Hàn Quốc cũng trở thành một làn sóng ào tới các nước, nhất là Châu Á, mở đường cho việc đưa văn hóa, hình ảnh Hàn Quốc đến với thế giới.
Vì vậy, sao không tin tưởng rằng dăm bảy năm sau ngoảnh lại, sự hoài nghi hôm nay sẽ không còn sau dấu mốc "thoát khỏi rừng lau" của phim truyền hình Việt!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.