(HNM) - Những ngày gần đây, thông tin sẽ có sự điều chỉnh phương án thi của kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2017 khiến nhiều phụ huynh, học sinh lớp 12 như “ngồi trên chảo lửa”.
Không sốt ruột sao được khi phương án thi, cách thức thi, vấn đề tổ hợp môn thi… vẫn rối như canh hẹ với nhiều luồng ý kiến, thậm chí trái ngược nhau. Trong khi đó, đa phần phụ huynh, học sinh khó lòng nắm bắt được hết ý tưởng, tầm nhìn "vĩ mô" của các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục nên chỉ biết thở dài chờ đợi.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, các cuộc tranh luận gần đây của các chuyên gia giáo dục cho thấy, phương án của Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến còn nhiều bất cập. Thí sinh, phụ huynh lo là điều đương nhiên, vì tất yếu sẽ phải có sự điều chỉnh kế hoạch học tập mà không biết sự điều chỉnh đó có tốt hơn hay không. Nỗi lo đó càng tăng khi nhiều giáo viên THPT cũng hoang mang, không biết phải dạy học sinh như thế nào để đáp ứng kiểu thi mới. Bởi, phương thức thi tổ hợp nhiều môn thi vào cùng một đề thi nhưng cách thức dạy học vẫn tách rời từng môn rõ ràng sẽ khiến không chỉ học sinh, mà cả giáo viên cũng lúng túng theo. Giới lãnh đạo các trường học từ bậc đại học đến THPT thì lo lắng, không biết làm sao để học sinh đạt kết quả tốt, trong khi yếu tố tự chủ của các trường đại học vẫn là “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay.
Từ năm 2015 đến nay, năm nào Bộ GD-ĐT cũng có sự điều chỉnh về cách thức của kỳ thi THPT quốc gia và ít nhiều gây xáo động đến tâm lý học sinh và phụ huynh. Đặc biệt, năm 2017, dự kiến phương án lấy tổ hợp ngân hàng đề thi của một trường đại học lớn (chưa tiện nêu tên) làm đề thi chung cho kỳ thi quốc gia với đa dạng ngành nghề đào tạo, khu vực tuyển sinh liệu có phù hợp? Cùng với đó, ngân hàng đề thi này chưa có sự đánh giá, kiểm định độc lập ở tầm quốc gia cũng gây băn khoăn trong dư luận.
Tất nhiên, những băn khoăn trên sẽ được Bộ GD-ĐT giải đáp trước khi công bố chính thức cấu trúc đề thi minh họa vào đầu tháng 10-2016. Và chắc chắn rằng, dù lý lẽ ra sao, phương án được chọn thế nào thì vẫn sẽ có một tuyên bố muôn thuở, rằng: Sẽ vì quyền lợi thí sinh và phụ huynh cũng như gia đình không nên lo lắng!
Đổi mới giáo dục ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới là một quá trình liên tục, cấp thiết nhưng cũng rất cần thận trọng, bởi nó liên quan đến hàng triệu gia đình, “đường đời” của hàng triệu học sinh và sâu xa là của cả xã hội. Nói đâu xa, nhiều bậc phụ huynh đã quá nản lòng với nền giáo dục nước nhà, nên dù điều kiện chưa phải dư dả nhưng cũng sẵn lòng cho con đi du học tự túc, vì muốn cho con có môi trường học tập tốt, ổn định hơn. Những suy nghĩ đó là có thật và rất đáng để suy ngẫm!
Vì thế, một quyết sách mới mà quỹ thời gian chuẩn bị không quá dài, ảnh hưởng đến nhiều người thì mong các nhà quản lý trước khi đặt bút ký hãy đặt mình vào vị trí của người dự thi để cân nhắc thiệt - hơn. Người dân sẽ tin vào đổi mới hơn nếu những thay đổi ấy được nghiên cứu bài bản; phụ huynh, học sinh có đủ thời gian chuẩn bị, ít nhất là không còn cảnh đến lớp 12 lại thấp thỏm lo âu sẽ phải thi cử thế nào, có như năm trước hay không. Và lộ trình đó rất cần được công bố rộng rãi để toàn xã hội cùng giám sát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.