(HNM) - Dịch bệnh lợn tai xanh tại Hà Nội đã lan ra 5 huyện ngoại thành, không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi, buôn bán mà còn tạo tâm lý e ngại đối với người tiêu dùng. Làm thế nào để phân biệt được
Bà Vũ Liên Oanh (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng): Mua thịt lợn ở siêu thị để bảo đảm vệ sinh ATTP
Trước tình hình bệnh dịch lợn tai xanh bùng phát tại Hà Nội, tôi không yên tâm khi mua thịt lợn ở chợ, vì thịt lợn bệnh hay không, mắt thường làm sao phân biệt được? Mỗi lần mua thịt lợn để thay đổi thực đơn cho bữa ăn, tôi thường đến siêu thị gần nhà. Thịt bán ở đây có giá cao hơn, lại không đa dạng như ở chợ nhưng có thể yên tâm về chất lượng vệ sinh ATTP. Tôi được biết, 60% lượng thịt lợn bán tại Hà Nội đều có nguồn cung cấp từ các tỉnh lân cận. Vậy lấy gì bảo đảm thịt lợn bệnh từ các vùng có dịch không tràn vào Hà Nội qua nhiều đường khác nhau? Vấn đề ở đây là cơ quan chức năng phải tăng cường các biện pháp kiểm dịch, không để tư thương vận chuyển lợn bệnh vào thành phố, đồng thời khuyến khích người chăn nuôi không tẩu tán, giấu giếm lợn dịch... Có như thế mới có thể khống chế được dịch, để người tiêu dùng không còn phải e ngại khi sử dụng thịt lợn.
Chị Nguyễn Thu Hà - kinh doanh thịt lợn tại chợ Lê Ngọc Hân, quận Hai Hà Trưng: Người dân chưa biết phân biệt lợn bệnh
Theo kinh nghiệm của người bán hàng lâu năm, cách nhận biết thịt lợn "sạch" không quá khó. Người mua cần quan sát kỹ, chọn miếng thịt tươi, không tụ máu, không có mùi thuốc kháng sinh, sờ miếng thịt thấy nóng, hơi dính và phần bì lợn được đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y là có thể hoàn toàn yên tâm. Nếu người tiêu dùng chọn biện pháp tiêu cực là "tẩy chay" thịt lợn chẳng khác nào đánh đồng người bán hàng chân chính với người bán hàng trôi nổi...
Bà Hoàng Thị Khánh (Khu đô thị Mỹ Đình 2, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm): Mỗi người nội trợ hãy là người tiêu dùng thông thái
Việc người tiêu dùng quay lưng lại với thịt lợn sẽ gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi khi mà cả những con lợn khỏe mạnh, được kiểm dịch đàng hoàng cũng bị "tẩy chay". Chưa kể, tâm lý hoang mang cũng khiến người chăn nuôi tìm cách tẩu tán hoặc giấu giếm lợn dịch. Để đối phó với tình trạng này, song song với các biện pháp phòng, chống dịch, cơ quan chức năng cần chú ý đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt thịt lợn bệnh và thịt lợn sạch, cơ chế lây lan dịch bệnh cũng như cách phòng tránh. Về phần mình, người dân khi mua thịt cần chọn những nơi cung cấp hàng rõ nguồn gốc, có dấu kiểm dịch rõ ràng... Nếu mỗi người nội trợ là một "người tiêu dùng thông thái" thì chắc chắn sẽ hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng (phố Ngô Gia Khảm, quận Hà Đông): Tốt nhất là nên giữ gìn trong ăn uống
Ở thời điểm dịch bệnh bùng phát như hiện nay, theo tôi, điều quan trọng đầu tiên khi sử dụng thịt lợn là ăn chín, chỉ ăn thịt bảo đảm các yêu cầu VSATTP, có xuất xứ, có dấu kiểm dịch và quan trọng nhất là không ăn tiết canh, gỏi, thịt lợn được chế biến qua loa. Các cụ ta đã nói: "Bệnh vào từ mồm" nên việc giữ gìn trong ăn uống là hết sức cần thiết.
Cũng có cái khó khi thực hiện việc này bởi thói quen, sở thích trong ăn uống nhiều khi làm người ta bỏ qua những điều cấm kị. Tuy nhiên, khi ngành y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực VSATTP đã có khuyến cáo, cảnh báo thì tốt nhất là nên thực hiện để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho mình, gia đình và cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.