Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hãy giữ bạn đọc bằng vẻ đẹp tác phẩm!

Thi Thi| 19/06/2015 06:40

(HNM) - Đặt ra vấn đề vẻ đẹp của tác phẩm báo chí thể hiện qua ngôn ngữ, chất văn, cấu trúc tác phẩm... lập tức có nhà báo cho rằng



Quả có vậy, cơn rùng rùng chuyển động của công nghệ kéo theo những thay đổi chưa từng có trong phương thức truyền thông. Nhanh hơn, trực diện hơn, tích hợp nhiều hơn, "hot" hơn để giành giật thị phần công chúng. Trong cuộc đua ấy, vẻ đẹp của TPBC có những biểu hiện trở nên thứ yếu và không còn được xem như một trong những yếu tố sống còn liên quan đến vị thế uy tín của nhà báo, nghề báo...

Các phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện quan trọng của đất nước. Ảnh: Nhật Nam


Có mâu thuẫn gì không?

Một trong những yếu tố tạo nên vẻ đẹp của TPBC ấy là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, rộng hơn là chất văn trong thể hiện tác phẩm. Có 3 câu hỏi cần trả lời là vẻ đẹp TPBC thể hiện qua ngôn ngữ chuẩn mực, giàu tính biểu đạt... có còn cần thiết, có mâu thuẫn gì với xu thế báo chí hiện đại không? Nếu còn cần thiết thì cần được hiểu và sử dụng thế nào? Sự tôn thờ chủ nghĩa thông tin dẫn đến việc bỏ qua ngôn ngữ, bố cục... tác phẩm có khiến công chúng quay lưng với báo chí?

Trong một chương trình hợp tác báo chí giữa Việt Nam và Thụy Điển, mục ''Cẩm nang phóng viên'' có nêu ra những kỹ năng sử dụng ngôn ngữ rất cụ thể, thú vị như "Tính từ là gia vị đắng. Chỉ cần cho quá vài microgam là hỏng bét cả món ăn"; "Hãy cho thấy bằng hình ảnh chứ đừng kể". Nhưng thái độ quyết liệt nhất là "Giã từ văn phong hàn lâm"... Coi trọng ngôn ngữ, chất văn trong báo chí hoàn toàn không đi ngược với xu thế ngắn, gọn, tích hợp các phương thức truyền thông, mà ngược lại nó vẫn luôn là một thứ cẩm nang của nghề báo. Thậm chí, nó còn được xem là yếu tố cạnh tranh.

Giáo trình giảng dạy báo chí của Mỹ có những tiêu chí ngôn ngữ khá cụ thể để có một TPBC hay như: Mạch lạc, chính xác, tránh tổn thương, chú trọng hình ảnh, hấp dẫn, tránh dùng từ ngữ kỳ thị, phân biệt... Đừng nghĩ rằng chỉ có các cây bút mới vào nghề mới phải học, các nhà báo kỳ cựu cũng luôn có chung một nỗi băn khoăn xử lý thế nào để đừng bắt bạn đọc ăn một món ăn "khó nuốt". Câu văn nhiều mệnh đề, rối rắm khó hiểu được ví vui là "phải nhờ đến các nhà ngôn ngữ học đoạt giải Nobel mới giải mã nổi", cũng được xem như một thất bại của TPBC.

Báo chí nước ngoài là vậy, còn trong nước? Mới đây, trong tác phẩm vừa ra mắt "Thế sự và mắt nhìn" của cây bút chính luận Hồ Quang Lợi, quan điểm về một TPBC đẹp cũng rất rõ ràng: "Nội dung thông tin của bài viết chỉ có thể "cất cánh" được khi khoác cho nó "chiếc áo" ngôn ngữ đẹp... Chính nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ đã giúp các nhà chính luận "thổi sinh khí" vào bài viết, làm cho nó thăng hoa, tạo cho người đọc sự hòa quyện giữa cảm xúc và nhận thức...".

Giữ bạn đọc bằng sự tôn trọng với tác phẩm

Quan điểm là vậy, nhưng đời sống báo chí sôi động hiện nay ngày càng khiến không chỉ công chúng mà bản thân những người làm nghề có trách nhiệm... phải giật mình. Nhà báo Lê Minh (Đài PTTH Hà Nội, Giải nhất Giải báo chí Ngô Tất Tố 2014) cho rằng: Trong lĩnh vực truyền hình, ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, tiếng động... đều có vai trò quan trọng cộng hưởng với nhau nhằm đem lại hiệu quả thông tin lớn nhất cho khán, thính giả. Một lời bình không rõ ràng, thiếu quan điểm hay sự hời hợt trong hình ảnh đều có thể tước đi những lợi thế, sức thuyết phục và giá trị của tác phẩm. Hiện nay, có tình trạng ngôn ngữ "nửa tây, nửa ta", lạm dụng tiếng nước ngoài, thiếu chuẩn mực, làm giảm tính định hướng trên một số tác phẩm truyền hình. Thiết nghĩ, khán giả hoàn toàn có quyền đòi hỏi được tiếp nhận một tác phẩm không chỉ có thông tin mà còn phải có giá trị thẩm mỹ...

Mới đây những phản ứng trên facebook xung quanh việc truyền thông dùng từ "thầy giáo" gắn liền với một đặc điểm cơ thể của cậu bé Đỗ Nhật Nam cho thấy độc giả không còn chấp nhận nói gì, nghe nấy. Và uy tín của truyền thông đôi khi không phải nằm ở vấn đề gì to tát mà là ở ngay chính cách sử dụng ngôn từ. Báo điện tử hiện nay với sự "cởi mở" về ngôn ngữ, nhanh, dễ đọc, nhưng cũng có thể vì sức ép của mức độ truy cập mà nhiều trang thả trôi theo lối hành văn thiên về giật gân, đôi khi đầu một đằng, thân một nẻo...

Nhà báo Hồ Quang Lợi trong một bài trả lời phỏng vấn đã nói "Ngôn ngữ cũng tạo nên mạch đi cho bài viết". Dễ thấy trong rất nhiều TPBC hôm nay, sự thiếu tôn trọng với hành văn báo chí dẫn đến việc phá vỡ cấu trúc tác phẩm. Người đọc đôi khi chỉ thấy từng mảnh, từng mảnh thông tin mà không hiểu được tinh thần của bài viết.

Còn nhớ, chừng hơn mười năm trước, có một lớp người viết báo mới được tuyển dụng vào Báo Hànộimới, nhà báo Trần Chiến (nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội) đã dày công truyền nghề cho lớp "măng non", mà nhiều nhất là chuyện chữ nghĩa, như "chữ tâm sự thì có phải là dùng lúc nào cũng được không? Khi nào thì người ta tâm sự, khi nào thì chỉ là chia sẻ?", "từ vấn nạn dùng thế có phải là lạm dụng?"... Nhiều năm sau này, lớp "măng non" ngày ấy gặp phải những từ trên vẫn cứ... giật mình thon thót. Tất nhiên, nói vẻ đẹp trong TPBC không phải là chuyện bay bổng, thơ mộng hóa mọi thứ.

Nhà báo Nguyễn Hồng Minh, Phó Trưởng ban Nhân dân điện tử (Báo Nhân Dân) cho rằng: Chất văn trong báo chí phải tùy thuộc vào thể loại. Tin khác, phỏng vấn khác và phóng sự khác. Báo chí cần sự mạch lạc, chính xác nhưng không thể thiếu truyền cảm. Vẻ đẹp trong TPBC là sự nhuần nhuyễn trong ngôn ngữ thể hiện, trong thái độ đưa thông tin tới bạn đọc chứ không phải ở sự làm dáng, màu mè của câu chữ.

Cho dù báo chí thế giới, trong nước đều đang đứng trước cuộc sát hạch lớn, đòi hỏi những thay đổi không ngừng thì vẻ đẹp trong một TPBC vẫn là một yếu tố không thể phủ nhận, nếu không muốn nói là gốc rễ, sức bền cho đường dài phía trước của nghề báo. Báo chí Hà Nội với tinh thần là báo chí của Thủ đô lại càng cần đến chất thanh lịch, tinh tế trong ngôn ngữ thể hiện, trong cấu trúc tác phẩm, cách xử lý, góc tiếp cận thông tin. Đó là một nét riêng mà không có lý do gì những người làm báo Thủ đô không giữ gìn, phát huy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hãy giữ bạn đọc bằng vẻ đẹp tác phẩm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.