Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hãy chung tay cứu những dòng sông

Minh Thúy - Chí Đạo| 16/10/2016 07:13

(HNM) - Hệ thống sông, hồ là không gian xanh trong lành, góp phần điều hòa không khí, nâng cao chất lượng sống đô thị. Tuy nhiên, không ít dòng sông hiện trong tình trạng “chết lâm sàng”. Nhiều giải pháp đã được Hà Nội triển khai trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, chỉ có sự chung tay của cả xã hội thì mới có thể gạt bỏ những tác động tiêu cực từ phía con người...

Chảy giữa lòng Hà Nội, sông Tô Lịch như dải lụa mềm, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của Thủ đô. Vậy nhưng, hiện nay dòng sông đang “ngắc ngoải” bởi tác động của con người. Dài khoảng 14km, chảy qua 6 quận, huyện gồm: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì; sông Tô Lịch cùng với sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét tạo nên hệ thống tiêu thoát nước chính của thành phố. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, hành lang sông bị lấn chiếm ở nhiều đoạn, nước thải được xả thẳng ra sông mà không qua xử lý nên dòng sông ngày càng ô nhiễm.

Những cống nước thải đổ trực tiếp ra sông Kim Ngưu.



Chị Nguyễn Thúy Hiền, phường Yên Hòa cho biết: Đoạn sông Tô Lịch chảy theo đường Láng gần đây luôn được vớt rác, song vẫn xú uế nồng nặc, nước luôn đen ngòm, chẳng loài cá, tôm nào có thể sống… Kết quả quan trắc nước sông Tô Lịch của Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội) gần đây cho thấy, lượng ôxy hòa tan thấp hơn tiêu chuẩn, lượng ôxy hóa học trong nước, ôxy sinh học trong nước, khuẩn coliform trong nước, tổng chất rắn lơ lửng, tổng dầu mỡ, hàm lượng amoni… đều vượt chuẩn.

Sông Kim Ngưu bắt đầu từ cầu Kim Ngưu đến hồ Yên Sở. Len lỏi giữa những tòa nhà sang trọng, những dãy phố sầm uất là dòng nước sông lững lờ, gần như bất động, đen kịt, nhiều chỗ nổi váng. Hình ảnh duy nhất ấn tượng trên con sông “bất động” này là hàng cây xanh dọc hai bên bờ. Thời điểm chúng tôi có mặt tại đây vào chiều 14-10, trời mưa nhỏ khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Hàng nghìn hộ dân sinh sống ở những con phố, khu dân cư sát với sông Kim Ngưu… ngày ngày sống chung với mùi đặc trưng này. Ông Nguyễn Văn Đăng ở đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) ngao ngán: “Khu đô thị mới mọc lên như nấm, trong khi nước sinh hoạt của người dân đều xả trực tiếp ra sông thì sao tránh khỏi ô nhiễm”.

Theo thống kê của UBND phường Mai Động, trên đoạn sông Kim Ngưu chảy qua địa bàn phường (khoảng 1km) có 7 đầu cống thoát nước sinh hoạt chảy trực tiếp ra sông. Phó Chủ tịch UBND phường Mai Động Nguyễn Trường Thịnh cho biết, trên địa bàn phường không có nước thải công nghiệp, toàn bộ nước chảy ra sông Kim Ngưu là nước thải sinh hoạt trong các khu dân cư...

Dòng nước ngã ba nơi dòng sông Hồng đổ vào sông Nhuệ ở cống Liên Mạc (xã Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) vẫn mang màu đỏ phù sa của sông Hồng. Phía thượng nguồn sông Nhuệ, dòng nước vẫn hiền hòa, không trong nhưng còn phảng phất màu xanh. Thế nhưng, chỉ cách cống Liên Mạc độ vài trăm mét, sông Nhuệ lại mang đúng đặc trưng bấy lâu của dòng sông “chết”. Người phụ nữ bán hàng ở cụm 4, tổ dân phố Tân Phong, phường Thụy Phương (Bắc Từ Liêm) cho hay: Tuy không cách xa cửa sông là mấy, nhưng nếu khoảng một tháng cống Liên Mạc không được mở, nước sông Hồng không vào được thì nước sông Nhuệ cũng đen kịt, bốc mùi. Theo dọc con sông Nhuệ, càng về phía quận Hà Đông, Thanh Trì… nước càng ngày càng đen, đặc quánh. Từ những ngôi nhà ở hai bên bờ sông, hàng loạt ống nhựa nối thẳng xả nước thải sinh hoạt xuống dòng sông. Hai bên bờ, chỗ nào cũng ngập ngụa rác, ruồi muỗi…

Trạm bơm Thanh Bình đặt tại phường Mộ Lao (Hà Đông) thuộc Xí nghiệp Thoát nước số 6 chỉ có 2 phòng làm việc. Vì ở ngay miệng cống lên không gian sặc sụa mùi ô nhiễm xú uế. Chỉ tay vào ổ khóa phòng làm việc, chị Nguyễn Thị Bình, công nhân của Xí nghiệp Thoát nước số 6 giải thích: Ổ khóa này bằng đồng, có màu vàng nhưng nay đã biến thành màu xanh lam vì gỉ. Tương tự, những điểm tiếp nối trong hệ thống máy bơm bằng đồng, thép cũng đều đã ngả màu...

Vẫn chờ giải pháp

Hệ thống công trình thủy lợi sông Nhuệ là hệ thống liên tỉnh Hà Nội - Hà Nam, cung cấp nước tưới cho trên 50.000ha đất canh tác; tiêu nước cho lưu vực 107.530ha, đặc biệt là tiêu thoát nước cho nội thành Hà Nội. Thừa nhận dòng sông đang ngày càng kiệt quệ, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cho biết: Các đơn vị có lượng xả thải lớn và nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm thải ra sông Nhuệ bao gồm: Nhà máy Bê tông Chèm, Viện Chăn nuôi, Công ty Giày da Thụy Khê, Công ty Rượu Anh Đào (quận Bắc Từ Liêm); Nhà máy Cao su Hà Nội, Công ty Sơn Hà Nội (quận Nam Từ Liêm); Công ty May Vietpacific, Nhà máy Sản xuất phụ tùng xe máy SYM, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện 103. Nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm chứa các chỉ tiêu vi sinh vật cao gây nên các bệnh ngoài da, tiêu chảy hay đau mắt đỏ trên diện rộng. Nguồn nước chứa nhiều kim loại nặng như sắt, măng gan, chì là nguyên nhân gây các bệnh về hô hấp và thần kinh. Mặt khác, vì trong nước bị ô nhiễm có hàm lượng các chất gây ăn mòn kim loại cao dẫn đến các công trình thủy lợi trên hệ thống cũng nhanh xuống cấp...

Theo số liệu quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), chất lượng nước trên các dòng sông nội đô như sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch, sông Sét, sông Nhuệ, sông Lừ... đều trong tình trạng đáng báo động, các hàm lượng amoni, coliform, phosphat… đều vượt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Để xử lý tình trạng này, từ năm 2013, TP Hà Nội đã đưa vào hoạt động Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở (quận Hoàng Mai). Ông Nguyễn Huy Hoàn, quản lý vận hành nhà máy, cho biết, Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở có công suất 200.000m3/ngày đêm, có nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải của sông Sét và sông Kim Ngưu, khi qua xử lý nước sẽ bảo đảm các tiêu chuẩn xả nước ra môi trường. Công suất hoạt động hiện nay (mùa khô) khoảng 130.000m3/ngày đêm; mùa mưa dao động từ 190.000 đến 200.000m3/ngày đêm...

Ngoài ra, đầu tháng 10-2016, Hà Nội cũng đã khởi công xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải ở Yên Xá (Thanh Trì). Nhà máy có công suất 270.000m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành vào năm 2019, sẽ xử lý nước thải sinh hoạt ở các quận, huyện Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy và Thanh Trì. Đánh giá về dự án này tại Lễ khởi công, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá là công trình trọng điểm, có ý nghĩa to lớn trong việc cải tạo môi trường, để làm “sống lại” các con sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ ở khu vực nội đô.

Để "tái sinh" những con sông vốn trong xanh, hiền hòa, thơ mộng và gắn liền với lịch sử thành phố, những giải pháp nêu trên là rất cần thiết. Tuy nhiên, xét về tổng thể, những nỗ lực của các cấp chính quyền trong triển khai thực hiện các dự án nhằm đầu tư xây dựng hạ tầng mới chỉ là một phần của vấn đề. Những cố gắng nêu trên sẽ trở thành vô nghĩa nếu cả cộng đồng, đặc biệt là người dân cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang có mặt dọc theo chiều dài những con sông không ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ những "lá phổi" với diện tích còn lại khá khiêm tốn trong thành phố.

Phải thấy rằng, việc để những dòng sông trong tình trạng ô nhiễm nặng như hiện nay có cả trách nhiệm của một bộ phận người Hà Nội. Bằng những hành động, việc làm thiếu ý thức trong đời sống thường nhật như xả rác, nước thải... họ đã khiến những dòng sông trở nên "ngắc ngoải" và trực tiếp gánh chịu hậu quả từ ô nhiễm môi trường.

Chỉ khi chúng ta ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ những dòng sông, giữ cho thành phố Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp thì mới có được những hành động đúng đắn cùng việc làm thiết thực nhằm xây dựng một môi trường sống thân thiện, trong lành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hãy chung tay cứu những dòng sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.