(HNMO) - Các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã cảnh báo, Việt Nam nằm trong số những nước sẽ chịu hậu quả nặng nề do biến đổi khi hậu và nước biển dâng.
Phóng viên báo Hànộimới có cuộc phỏng vấn ông Lê Công Thành - Cục trưởng Cục khí tượng thủy văn và BĐKH thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này.
Ông Lê Công Thành |
-Thưa ông, BĐKH sẽ tác động đến nước ta như thế nào và tình trạng có đáng báo động không?
Ở Việt Nam, tác động của BĐKH cũng đã được nhận thấy qua nhiều dấu hiệu, bằng chứng. Trước hết, những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu trong nhiều năm gần đây có thể được cho là có liên quan đến sự biến đổi của các hệ thống hoàn lưu khí quyển, đại dương quy mô lớn cũng như sự biến đổi trong hoạt động của gió mùa Châu Á. Bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển về phía Nam và có quỹ đạo phức tạp, khó dự báo hơn. Hạn hán, lũ lụt dường như đã xảy ra bất thường hơn. Hiện tượng nắng nóng có xu hướng gia tăng cả về cường độ, tần suất và độ dài các đợt. Số ngày rét đậm, rét hại giảm đi nhưng mức độ khắc nghiệt và độ kéo dài các đợt có dấu hiệu gia tăng những hiện tượng cực đoan, dẫn đến sự gia tăng các thiên tai có nguồn gốc khí tượng, tác động xấu đến nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội và môi trường.
Những diễn biến thời tiết bất thường có xu hướng cực đoan nêu trên đều là do BĐKH. Nguyên nhân của BĐKH là do trái đất đang nóng lên. Trái đất nóng lên sẽ làm tan băng ở Bắc Cực, Nam Cực và ở các đỉnh núi. Và từ đó mực nước biển sẽ dâng lên. Theo một kịch bản mà các nhà khoa học đưa ra, nếu nước biển tiếp tục dâng thì đến năm 2100, gần 31.000 cây số vuông (chiếm khoảng 9,3% diện tích) của Việt Nam sẽ bị ngập. Những vùng bị ngập nặng nhất là đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và những đồng bằng ven biển miền Trung.
Tình trạng rất đáng báo động vì những vùng chịu thiệt hại nặng nề do BĐKH và nước biển dâng đều là những vựa lúa của nước ta. Những vựa lúa này không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho nước ta mà còn để xuất khẩu.
-Thưa ông, tại sao trái đất lại đang nóng lên gây ra BĐKH toàn cầu?
Nguyên nhân chính là do hiệu ứng nhà kính. Khi loài người sử dụng năng lượng, sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp... sinh nhà nhiều khí nhà kính. Khí nhà kính lại gây ra hiệu ứng nhà kính. Và hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên.
-Khí nhà kính gồm những khí nào và thế nào là hiệu ứng nhà kính?
Khí nhà kính chủ yếu là hơi nước (H¬2O), CO2, CH4, N2O, O3 và các CFC. Các khí này có khả năng hấp thụ các bức xạ hồng ngoại được phản xạ từ bề mặt trái đất khi được ánh sáng mặt trời chiếu, sau đó phân tán nhiệt lại cho trái đất. Trái đất sẽ ấm hơn nếu có nhiều khí nhà kính hơn. Hơn 100 năm trở lại đây, việc con người sử dụng nhiều tài nguyên không tái sinh trong tiêu thụ năng lượng để sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt đã làm gia tăng lượng khí nhà kính trong khí quyển. Việc này sẽ làm tăng nhiệt độ trái đất làm tan băng ở Bắc Cực, Nam Cực và ở trên các đỉnh núi vốn đóng băng vĩnh cửu. Đến lượt nó, tan băng làm mực nước biển dâng. Các nhà khoa học đã ghi nhận được mức nhiệt độ đang nóng lên và mực nước biển dâng. Không nghi ngờ gì nữa, chính con người và hoạt động của con người là thủ phạm gây ra BĐKH và nước biển dâng.
-BĐKH và nước biển dâng tác động đến môi trường sống của chúng ta như thế nào? Và cách giảm thiểu tác động tiêu cực của nó?
Điều hiển nhiên là mực nước biển dâng sẽ gây ngập hàng loạt những đồng bằng lớn trên thế giới sẽ khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Sinh kế của loài người sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Chỉ tính riêng diện tích nông nghiệp bị mất cũng đã khiến sản xuất nông nghiệp sẽ không nuôi đủ loài người. Nạn đói sẽ là điều khó tránh khỏi.
BĐKH cũng sẽ khiến những cơn bão trở nên mạnh hơn, những đợt hạn hán sẽ có nhiệt độ cao hơn và kéo dài hơn. Cộng với diện tích đất bị mất, những trận mất mùa do lụt bão và hạn hán sẽ càng làm cho nạn đói trở nên trầm trọng. Số quốc gia và số người bị nạn đói đe dọa sẽ nhiều hơn. Ấy là chưa kể đến những vấn nạn kéo theo khác như di cư và chiến tranh vì nạn đói.
Để giảm thiểu tác động của BĐKH và nước biển dâng, trước tiên, loài người cần nghiên cứu đầy đủ và nghiêm túc về nguyên nhân và hệ quả do nó mang lại. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện, định lượng hóa những tác động đó vẫn đang còn là vấn đề bỏ ngỏ. Trước mắt, chúng ta chỉ có thể làm chậm tiến trình BĐKH và cố gắng thích ứng với nó.
-Chúng ta phải làm gì để làm chậm tiến trình BĐKH và thích ứng với nó như thế nào?
Ở tầm thế giới, Liên hợp quốc và các quốc gia đã và sẽ tiếp tục bàn thảo và tìm cách để giảm lượng khí nhà kính phát thải vào khí quyển. Ở tầm quốc gia, Việt Nam đã tích cực tham gia và các hoạt động và công ước của Liên hợp quốc về BĐKH. Chính phủ cũng đã có hẳn một chiến lược về BĐKH.
Ở góc độ cơ quan chuyên môn, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tuy lực lượng còn rất hạn chế nhưng đã có những nghiên cứu, đánh giá và cảnh báo quan trọng để phòng tránh và giảm thiểu tác động xấu do BĐKH mang lại.
Tôi cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân về BĐKH và tác động của nó. Từ đó, họ có thể chủ động hơn trong việc thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai để bảo đảm sinh kế trước mắt và lâu dài.
Chân thành cảm ơn ông!
-------------------------------------------
* Bài viết trong loạt bài phục vụ: "Tuyên truyền nâng cao năng lực truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.