(HNM) - Nửa năm sau khi Anh và Liên minh châu Âu (EU) ký kết Hiệp định Thương mại và Hợp tác, hay còn gọi là thỏa thuận Brexit (Anh rời khỏi EU), tranh cãi giữa hai bên vẫn chưa có hồi kết. Ngày 6-7, EU đã ra cảnh báo sẽ tăng cường các thủ tục pháp lý chống lại Anh nếu London không tuân thủ các nghĩa vụ của mình về vấn đề Bắc Ireland theo thỏa thuận Brexit.
Bắc Ireland vốn là một trong những chủ đề gai góc nhất kể từ khi Anh khởi động tiến trình Brexit. Hiện nay, đường biên giới dài 500km giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) với Cộng hòa Ireland (thuộc EU) là đường biên giới trên bộ duy nhất giữa Anh với EU. Quyết định rời khỏi “ngôi nhà chung” đã gắn bó hơn nửa thế kỷ đồng nghĩa với việc Anh rút ra khỏi liên minh thuế quan và thị trường duy nhất châu Âu, tức là không còn sự tự do đi lại và mức thuế quan chung. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định “biên giới cứng” giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland sẽ đe dọa đến hòa bình trên hòn đảo này.
Xét về khía cạnh lịch sử, nhiều năm trước đây, toàn bộ đảo Ireland là một phần lãnh thổ của Vương quốc Anh. Đến năm 1922, có 26 trong số 32 quận của Ireland tách ra thành nước Cộng hòa Ireland độc lập, 6 quận ở phía Bắc vẫn thuộc Vương quốc Anh với tên gọi vùng Bắc Ireland. Việc chia tách này đã làm dấy lên phong trào vũ trang đòi thống nhất toàn vẹn Ireland khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng. Sau rất nhiều nỗ lực, năm 1998, các bên liên quan đã đạt được một thỏa thuận hòa bình có tên gọi Ngày thứ sáu tốt lành (GFA). Thành công của GFA là việc xóa bỏ đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, cho phép người dân tại khu vực quyền tự do đi lại qua biên giới. Điều này giúp những người dân sinh sống trên hòn đảo cảm thấy mình là một phần của Ireland thống nhất. Theo số liệu thống kê, có đến 31% hàng xuất khẩu của Bắc Ireland là sang Cộng hòa Ireland.
Chính vì vậy, dù Anh chính thức cắt đứt mọi ràng buộc thành viên với EU từ ngày 1-1-2021, nhưng riêng vùng lãnh thổ Bắc Ireland vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung EU và liên minh thuế quan nhằm tránh phải thiết lập “biên giới cứng” giữa vùng này và Cộng hòa Ireland. Anh và EU cũng đã ký Nghị định thư Bắc Ireland, nhất trí tạo ra một biên giới có quản lý giữa vùng Bắc Ireland với phần còn lại của nước Anh. Để bảo đảm tuân thủ quy định của thị trường chung, nhân viên hải quan EU được phép kiểm tra chất lượng hàng hóa từ Anh qua vùng Bắc Ireland vào EU.
Tuy nhiên, căng thẳng đã nổ ra khi EU cáo buộc Anh đơn phương tuyên bố sẽ kéo dài thêm 3 tháng việc miễn trừ kiểm tra hải quan đối với thịt đông lạnh và thịt chế biến nhập khẩu vào Bắc Ireland, vốn dự kiến hết hạn ngày 30-6. London cho rằng, cách tiếp cận nghiêm ngặt của EU trong việc thực thi các quy tắc đang gây tổn hại cho người dân Anh quốc.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic, các biện pháp đơn phương mà Chính phủ Anh đưa ra hồi tháng 3 vừa qua trái với tinh thần hành động chung và vi phạm những điều hai bên đã thống nhất. Nếu Anh tiếp tục thực hiện các biện pháp đơn phương, EU sẽ không ngần ngại đáp trả “nhanh chóng, cứng rắn và cương quyết” thông qua việc khởi động một số thủ tục pháp lý, không loại trừ khả năng áp thuế và hạn ngạch nhập khẩu. Trước mắt, các sản phẩm như thịt đông lạnh và thịt chế biến của Anh có thể không được bán tại thị trường EU.
Việc triển khai nghị định thư nêu trên gây tình trạng ùn tắc tại các cảng, làm gián đoạn nghiêm trọng việc lưu thông hàng hóa từ Anh sang Bắc Ireland. Dư luận thế giới lo ngại, nếu căng thẳng giữa Anh và EU không nhanh chóng được giải quyết, hai bên không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn có nguy cơ đe dọa tới thỏa thuận GFA, khiến hòn đảo Ireland quay trở lại thời kỳ bất ổn như đã từng xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.