(HNM) - 45 năm thống nhất cùng đất nước, Đồng bằng sông Cửu Long - miền Tây Nam bộ - luôn gánh trên vai sứ mệnh là vùng trọng điểm nông nghiệp, đóng góp gần 60% sản lượng lúa quốc gia. Một mảnh đất chỉ chiếm khoảng 1/8 diện tích Việt Nam, nhưng đóng góp lớn vào việc đưa đất nước trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Hạt gạo đã, đang và sẽ góp phần làm nên một miền Tây giàu đẹp.
Hạt ngọc làm nên vựa lúa quốc gia
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Nói đến mảnh đất giàu đẹp này không thể không nói đến cây lúa.
Bao thế hệ những người nông dân nơi đây đã vượt sông Tiền, sông Hậu đi khai phá Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau..., mang theo “cơm gói mo cau, khăn rằn quấn cổ” để góp sức tạo ra “Vựa lúa quốc gia”. Cây lúa đồng bằng từ lúa ma, lúa nổi, lúa trời, đến lúa chất lượng cao và chuỗi giá trị lúa gạo, đang được nhân lên với các ngành công nghiệp sau gạo như thực phẩm chức năng, dược phẩm chữa bệnh, sản phẩm làm đẹp; từ “lúa để ăn” đến “lúa hàng hóa” đi khắp năm châu.
Cùng với ngành Nông nghiệp Việt Nam, lúa gạo đất Chín Rồng đã tạo ra kỳ tích bằng đường bay của con rồng châu Á. Đồng bằng mênh mông, kênh rạch chằng chịt. Từ trên cao nhìn xuống, những kênh đào thẳng tắp, kẻ ô bàn cờ thấp thoáng dưới cánh bay. Không phải người Việt nào cũng biết rằng, rạch là dòng chảy tự nhiên, kênh là do sức người qua hàng trăm năm đào đắp tạo thành. Những công trình thủy lợi để lại dấu ấn ở đồng bằng được tạo nên chính từ bàn tay, khối óc của bao thế hệ người Việt, miệt mài cải tạo vùng đất hoang vu thành vựa lúa của Việt Nam, của Đông Nam Á và của thế giới.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, non sông liền một dải. Nhưng hậu quả của 30 năm chiến tranh đằng đẵng, những bất hợp lý từ chính sách kinh tế vĩ mô, khiến Việt Nam lại là nước thiếu lương thực những năm cuối thập niên 1970-1980. Nhưng từ năm 1989, chỉ sau 3 năm đổi mới, nước ta không những lo được cho dân đủ ăn, mà còn nhanh chóng nằm trong tốp 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Kỳ tích ấy có sự đóng góp lớn lao của "hạt ngọc" đồng bằng vùng Chín Rồng màu mỡ. Năm châu ngắm nhìn hạt gạo Việt Nam đầy ngưỡng mộ và nó thực sự xứng đáng được đặt vào vị trí trang trọng nhất trong sứ mệnh bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng chống đói nghèo thế giới. Không chỉ vậy, hạt gạo từ mảnh đất này còn được cộng đồng quốc tế ghi nhận với danh vị "Gạo ngon nhất thế giới".
Thách thức và niềm tin
45 năm sau Giải phóng miền Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã vượt qua thời kỳ gian khó, đạt được những thành tựu quan trọng, hình thành các yếu tố của các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, tiền tệ. Thị trường lao động và khoa học - công nghệ cũng đang hình thành và phát triển. Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tiếp cận và ứng dụng nhanh hơn với những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Xây dựng nông thôn mới cũng tạo ra diện mạo mới, không gian sống, lao động sản xuất và hưởng thụ vật chất văn hóa, tinh thần tốt hơn cho người dân. Cầu tre lắt lẻo ngày xưa giờ đã dần được thay thế bằng cả triệu cây cầu bê tông vững chắc. Những nhánh sông lớn vùng Cửu Long giang đã vắng những chuyến phà, vì đã có những cây cầu lớn, hiện đại bắc ngang, giúp đôi bờ không còn xa lắc. 45 năm qua là một dấu son, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của đồng bằng. Bậu và Qua (bạn và tôi, theo cách gọi của người xưa) giờ không còn chân lấm tay bùn mà ngồi máy cày, máy cấy, máy gặt… chạy thỏa sức trên những cánh đồng mẫu lớn.
Bên cạnh sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân sở tại, để đạt kết quả trên còn có nguồn lực đáng kể từ Nhà nước. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng đầu tư cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2011-2015 khoảng 17%-18% tổng nguồn vốn đầu tư cho các vùng và giai đoạn 2016-2020 chiếm khoảng 18% tổng nguồn vốn đầu tư cho các vùng.
Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ngày càng phổ biến và mang lại nhiều thành tựu quan trọng. Cùng với đó, hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai bước đầu chuyển đổi, đáp ứng nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện, hệ thống thủy lợi đã giúp bảo đảm tưới tiêu cho 90% diện tích lúa vụ đông xuân - hè thu, phát triển thủy sản và cây trồng cạn. Hình thành hệ thống đê kiểm soát mặn, triều cường, sóng cao. Các hoạt động xử lý cấp bách bờ sông, bờ biển được triển khai tích cực… Nhờ vậy, năng suất và giá trị hạt lúa ngày càng được nâng lên. Xuất khẩu gạo của Đồng bằng sông Cửu Long chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước. Những thành tựu đạt được từ cây lúa đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng.
Bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được 45 năm qua, cây lúa Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Chất lượng giống lúa không đồng nhất. Kỹ thuật chế biến gạo chưa có nhiều đổi mới. Hạ tầng giao thông vùng châu thổ còn chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu đặt ra đủ để khơi dậy những tiềm năng sẵn có. Hạn mặn diễn ra ngày càng khốc liệt, khiến cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn phải thay đổi…
Trong điều kiện hiện nay và chắc chắn sẽ còn lâu hơn nữa, an ninh lương thực vẫn là vấn đề mang tính toàn cầu. Việt Nam xác định lúa gạo là vấn đề chiến lược và đã có nhiều chính sách tốt. Khi mà nhiều quốc gia dùng gạo hay sản xuất lúa đã có những điều chỉnh quan trọng về chính sách, thì Việt Nam cũng đang tính đến một “hệ điều hành” mới, sao cho vẫn giữ vững nguyên tắc “2 bảo đảm” - an ninh lương thực quốc gia và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Yêu cầu sắp tới phải thương mại hóa ngành sản xuất lúa gạo, đặc biệt là hiện đại hóa chuỗi giá trị hạt gạo, bao gồm đổi mới công tác quản lý, cải tiến công nghệ, ứng dụng ngày càng nhiều hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất bền vững hơn, với môi trường, chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn. Khả năng cạnh tranh của ngành sẽ được xây dựng trên chất lượng hạt gạo, sự độc đáo của giống lúa, chứ không phải dựa trên lao động giá rẻ, năng suất cao nhưng chất lượng gạo trung bình...
Không chỉ vậy, với định hướng của Nhà nước, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần chuyển đổi mạnh hơn nữa từ sản xuất lúa là chính sang sản xuất thủy sản, cây ăn trái, giúp hiệu quả mang lại cao hơn.
Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, có khả năng cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới đang là mục tiêu được cấp ủy, chính quyền và người dân Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực thực hiện, qua đó cùng cả nước xây dựng một Việt Nam hùng cường.
(Còn nữa)
Đánh giá về vai trò của Đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu nêu rõ: “Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất này đã có sự phát triển rõ rệt, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả hàng đầu cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể phục vụ phát triển đất nước...”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.