(HNMO) – Tin từ Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội năm 2011, Hapro đã và đang triển khai sâu rộng việc phân phối hàng hóa đến nhân dân, với tổng số vốn (từ nguồn tạm ứng của Thành phố và Tổng công ty) lên đến 465 tỷ đồng.
Theo đó, trong đợt tạm ứng đợt 1, TP Hà Nội đã quyết định tạm ứng cho Tổng công ty 155 tỷ đồng để thực hiện dự trữ 09 mặt hàng thiết yếu như gạo: 2.140 tấn; thịt lợn: 320 tấn; thịt gà, vịt: 150 tấn; trứng: 800.000 quả; thủy, hải sản: 300 tấn; thực phẩm chế biến: 520 tấn; dầu ăn: 350.000 lít; đường: 90 tấn; rau củ: 1.000 tấn); Thời gian tạm ứng vốn từ 23/6/2011 đến hết tháng 4/2012.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Tổng công ty đã phân bổ số vốn tạm ứng cho các đơn vị: Công ty Mẹ - Tổng công ty, Công ty CP ĐTPT Hạ tầng Thương mại Hà Nội, Công ty TNHH NN 1TV Thực phẩm Hà Nội, Công ty CP Thương mại Đầu Tư Long Biên, Công ty CP SXKD Gia súc gia cầm để triển khai chương trình.
Đáng chú ý, nhằm đảm bảo dự trữ đầy đủ lượng hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị lên kế hoạch cụ thể và tổ chức ký kết các hợp đồng nguyên tắc, đặt cọc tiền hàng, ký hợp đồng mua bán hàng hóa với các nhà cung cấp lớn, uy tín trên thị trường, khai thác tối đa nguồn hàng từ các nhà cung cấp mà Tổng công ty là đại lý cấp 1 như: gạo, dầu ăn... Bên cạnh đó Tổng công ty tổ chức khai thác tối đa các sản phẩm do các đơn vị thành viên trong Tổng công ty trực tiếp sản xuất, nhất là các sản phẩm đã có uy tín trên thị trường như: Thực phẩm chế biến (giò chả, nem ..), rau củ...
Ngoài lượng hàng hóa dự trữ từ nguồn vốn tạm ứng đợt 1 của UBND Thành phố (155 tỷ đồng), Tổng công ty đang thực hiện dự trữ thêm lượng hàng hóa với giá trị khoảng 310 tỷ đồng từ nguồn vốn tự huy động, nâng tổng giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ chương trình bình ổn của Tổng công ty lên khoảng 465 tỷ đồng.
Mặt khác, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố và Tổ công tác liên ngành, Tổng công ty đã xây dựng mức giá bán hàng hóa theo nguyên tắc đảm bảo sát với giá thị trường (là mức giá phổ biến của hàng hóa trên thị trường tại thời điểm đăng ký giá trên cơ sở so sánh với các sản phẩm có cùng phương pháp sản xuất, hệ thống phân phối, bảo quản sản phẩm, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, điều kiện vệ sinh ATTP, các đặc tính kỹ thuật khác tương đương) đối với các mặt hàng được ứng vốn, thống nhất mức giá bán chung trong toàn bộ hệ thống bán hàng bình ổn của Tổng công ty. Trong điều kiện thị trường không có hiện tượng tăng giá đột biến: Tổng công ty thực hiện bán hàng với mức giá bình thường để đảm bảo việc luân chuyển hàng hóa cho phù hợp. Trong trường hợp thị trường có hiện tượng tăng giá đột biến: Tổng công ty cam kết đăng ký điều chỉnh giá đảm bảo nguyên tắc thấp hơn 10% giá thị trường (giá bán được sự chấp thuận của Liên Sở).
Trong thời gian qua, Tổng công ty cũng đã thực hiện báo cáo đăng ký giá bán lên Sở Công thương – Tài chính theo quy định; Các đơn vị đã thực hiện niêm yết giá bán và bán theo đúng giá niêm yết đã đăng ký với Liên Sở.
Về mạng lưới bán hàng, Tổng công ty bố trí 400 điểm bán hàng bình ổn giá theo các tiêu chuẩn của Thành phố, tăng gấp 2 lần so với thực hiện năm 2010, tập trung chủ yếu vào các điểm bán cố định nằm trong hệ thống bán lẻ của Tổng công ty, các chợ do Tổng công ty quản lý, các điểm liên doanh liên kết; các điểm bán hàng lưu động, bán hàng nông thôn, phiên chợ Việt tại các huyện ngoại thành Thành phố Hà Nội; Chợ Tết Nguyên đán tại Huyện ngoại thành Hà Nội.
Hơn nữa, để nhân dân biết rõ hệ thống bán hàng bình ổn giá, Tổng công ty đã phối hợp với tổ công tác liên ngành, các cơ quan báo chí, truyền hình công bố công khai các điểm bán hàng bình ổn giá của Tổng công ty trên trang Website của Tổng công ty và các phương tiện thông tin đại chúng. Tại các điểm bán hàng bình ổn giá, Tổng công ty bố trí treo các băng rôn, thông điệp về chương trình bình ổn giá của Thành phố, treo bảng niêm yết công khai giá bán. Ngoài ra, Tổng công ty còn tổ chức tuyên truyền tại chỗ thông qua hệ thống loa tại các siêu thị, cửa hàng.
Có thể thấy, với vai trò doanh nghiệp thương mại nhà nước lớn nhất và nòng cốt của Thành phố Hà Nội, Hapro đã hoàn thành chức năng của mình; góp phần tham gia bình ổn giá cả thị trường Hà Nội trong các dịp Lễ, Tết, phục vụ công tác cứu trợ và đảm bảo ổn định đời sống nhân dân trong mùa mưa bão; thể hiện được vai trò, trách nhiệm của một Tổng công ty lớn trong lĩnh vực thương mại của Thành phố, nâng cao diện mạo và vị thế của ngành thương mại Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.