(HNM) - Lâu rồi sân khấu Hà Nội mới có vở chính kịch "đúng điệu", đúng chất kịch tâm lý xã hội của sân khấu thời hoàng kim, đúng chất sân khấu kịch phía Bắc và mang hơi thở của cuộc sống đương đại.
Vở "Nhà có 5 anh em trai" do Đoàn kịch I Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng đã ra mắt khán giả tối 1-8 và diễn đều đặn các tối cuối tuần tại Nhà hát Tuổi trẻ. Đạo diễn, NSƯT Anh Tú đã chia sẻ xung quanh việc dàn dựng vở kịch.
- Đang dựng kịch thơ, kịch rối rồi dựng lại những vở kịch hay trước đây, tự dưng thấy anh lại chuyển sang vở "Nhà có 5 anh em trai" mang hơi hướng cuộc sống hiện đại là sao?
- Đó là do sự hấp dẫn của kịch bản. "Nhà có 5 anh em trai" được Nguyễn Thu Phương biên kịch. Ngay sau khi dựng xong vở "Nhà có 3 chị em gái" rất thành công thì Phương đã gửi vở này ra, tôi thích lắm nhưng nấn ná mãi mới dựng. Vở kịch được cảm tác trên truyện "Không có vua" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng Phương làm thay đổi một chút về bố cục, cấu hình, tuyến nhân vật. Nội dung tư tưởng cũng khác so với nguyên bản.
- Điều gì ở kịch bản này hấp dẫn anh đến vậy? Nó khác với "Không có vua" của Nguyễn Huy Thiệp như nào?
- Khác tương đối nhiều, Phương chỉ ghi trong kịch bản là cảm tác của truyện "Không có vua". Ví dụ ông bố thì Phương chuyển thành bà mẹ, thêm chi tiết chiếc vòng gia bảo… Phương đã mềm mại hóa một chút kịch bản của mình. Kịch bản này có cốt hay, ý nghĩa, nó rất thích hợp với cuộc sống ngày hôm nay. Hy vọng khán giả hài lòng. Vả lại, kịch bản văn học cũng không phải là toàn bích. Nhiều chi tiết dài phải cắt bỏ và đặc biệt, tôi đề nghị Thu Phương thay đổi cái kết.
- Gần đây sân khấu kịch Hà Nội đã đưa cảnh "nóng", yếu tố kinh dị vào vở diễn. Anh có đưa chúng vào vở của mình để hấp dẫn khán giả hơn?
- Tôi nghĩ hấp dẫn khán giả thì có nhiều cách. Kinh dị có cái hút của kinh dị, hài cũng có cái hút của hài. Những cảnh nóng nếu làm hay, làm ý nghĩa, nó gắn với câu chuyện kịch thì cũng hút. Nhưng với tôi, cách xử lý khéo léo của một câu chuyện tâm lý xã hội cũng hút khán giả chứ.
- Thường đưa đoàn vào Nam diễn, dựng vở này anh có ý định Nam tiến?
- Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị mạnh. Khán giả miền Trung và miền Nam rất thích các vở kịch tâm lý của Nhà hát, nên năm nào tôi cũng cố đưa Đoàn kịch I vào Nam diễn một vài lần. Với vở này tôi cũng sẽ cố gắng đưa vào trong đó. Tuy nhiên, còn phải dự trù kinh phí.
- Sân khấu chính kịch thường khó bán vé. Anh có ngại ngần không?
- Khán giả xem chính kịch càng ngày càng vắng, nhưng vẫn không ít người tri âm. Tôi nghĩ, càng ít khán giả mình càng phải làm thật hay, kén chọn kịch bản, dàn dựng thật tốt, kĩ lưỡng, đầu tư thật hiệu quả và thích đáng để kéo họ trở lại. Vẫn có những khán giả nói với tôi là thèm xem một vở chính kịch. Bởi so với thời hoàng kim của sân khấu, những vở tâm lý hiện quá ít. Đó là động lực khiến chúng tôi tiếp tục dàn dựng.
- Là một đạo diễn tâm huyết, anh sẽ làm gì để sân khấu kịch sôi nổi hơn?
- Tôi nghĩ sức lực của con người có hạn. Không nên tự biến mình thành vĩ nhân, bởi vì vĩ nhân đôi khi cũng chẳng làm được gì. Nói riêng trong lĩnh vực sân khấu, bao nhiêu người đầu ngành còn chẳng thay đổi được nổi. Thôi thì cứ cố gắng dựng được vở khó mà hay là mãn nguyện rồi!
- Xin cảm ơn đạo diễn!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.