Sau 5 ngày xuất phát, trưa 22.3.2015, Hành trình “Về nguồn với đất Phương Nam” của gần 300 cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, cựu thanh niên xung phong của 25 tỉnh, thành phố phía Bắc đã dừng chân viếng thăm Khu di tích nữ liệt sĩ Anh hùng Đặng Thùy Trâm (Đức Phổ - Quảng Ngãi).
Kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, Trung tâm Giáo dục truyền thống và Lịch sử (Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam) phối hợp với các cơ quan liên quan, địa phương tổ chức chuyến đi “Về nguốn với đất phương Nam” mang chủ đề “Theo dấu chân thần tốc và Rước Bác Hồ vào thăm miền Nam”.
Các thành viên Đoàn "Về nguồn..." bên tượng đài Bà mẹ VNAH ở Quảng Nam |
Ông Lê Xuân Niêm – Giám đốc Trung tâm, Trưởng ban tổ chức chuyến đi cho biết: “Đây là chuyến đi nhằm thực hiện di nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời ước ao vào với miền Nam ruột thịt và tri ân các anh hùng, liệt sĩ, tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chuyến đi còn mong muốn kết nối cộng đồng, kết nối các thế hệ người Việt Nam cùng hướng tình cảm thiêng liêng về Bác Hồ kính yêu; về với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bao đồng bào, đồng chí đã hy sinh vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý, vì hạnh phúc của nhân dân”. Qua đó, bồi đắp lòng yêu nước và cách mạng cho tuổi trẻ, nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến tranh vệ quốc vào thời kỳ hòa bình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tại các địa phương chuyến đi “Theo dấu chân thần tốc và Rước Bác Hồ vào thăm miền Nam” dừng chân, đông đảo cựu chiến binh, nhân dân chào đón. Đoàn đã đi qua rất nhiều miền quê, địa danh lịch sử nổi tiếng. Mỗi bước chân của hành trình đã lưu dấu thêm sự thiêng liêng, hào hùng của dân tộc Việt Nam, đắp bồi thêm tình yêu Tổ quốc, yêu kính Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Để rồi từ đó thắp sáng lên ngọn lửa niềm tin một lòng chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc máu thịt.
Tờ mờ sáng, chúng tôi đã bắt đầu lên đường xuôi về phương Nam đến Khu di tích nữ bác sĩ Anh hùng Đặng Thùy Trâm. Hồi hộp đợi chờ, bao cảm xúc lắng đọng. Cái nắng như lửa khi trời chưa chớm hạ vẫn không ngăn nổi bước chân của những người con Đức Phổ Anh hùng kéo về chào đón đoàn tại khu di tích này. Khi đoàn xe dừng bánh hẳn, những cái bắt tay chào hỏi của những người cựu chiến binh Quảng Ngãi với cựu chiến binh Thủ đô mà tôi chắc họ chưa một lần quen nhau trong đời sao lại thắm thiết đến thế. Có lẽ bởi mảnh đất quê hương Quảng Ngãi – nơi có cuộc trùng phùng gặp gỡ này đang mang nặng ân tình của một nữ bác sĩ Anh hùng của Thủ đô đã ngã xuống cho màu xanh độc lập và bao người con khác của Thăng Long văn hiến. Xúc động, nghẹn ngào, khóe mắt nhiều cựu thanh niên xung phong một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước rưng rưng ngấn lệ nhưng là lệ mừng, lệ tự hào vì tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của bao thế hệ cha anh đi trước…
Chị Nguyễn Phi Nga – một người con gái Thủ đô tham gia hành trình này bảo với tôi rằng: Tuyệt vời quá với một chuyến đi “Theo dấu chân thần tốc và Rước Bác Hồ vào thăm miền Nam”. Mỗi nơi tôi được đến là được học thêm một bài học lịch sử vô cùng ý nghĩa. Chị Nga kể rằng ở Thủ đô chị hay đến gia đình nữ bác sĩ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm chuyện trò cùng mẹ và thắp hương cho chị Trâm. Cho đến hôm nay đây, chị đã được đặt chân đến nợi chị Trâm đã chiến đấu và để lại xương thịt của mình. Chị Nga lại kính cẩn thắp cho chị Trâm một nén hương lòng với bao thành kính và thầm thĩ bao lời nhắn nhủ từ Thủ đô yêu dấu rằng thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mãi noi gương chị, cống hiến hết mình cho Tổ quốc thân yêu.
Trưởng ban Tổ chức chuyến đi ông Lê Xuân Niêm – Giám đốc Trung tâm giáo dục truyền thống lịch sử nói như khoe với chúng tôi về tinh thần của chuyến đi đầy ý nghĩa này: “Đoàn có nhiều cựu chiến binh gần 90 tuổi, ít tuổi nhất cũng là những cựu binh 60 rồi nhưng sau 5 ngày theo dấu chân thần tốc và rước Bác Hồ vào với miền Nam ai cũng khỏe mạnh, vui vẻ”. Chuyến đi này có đến 45 thành viên là cựu chiến binh, thương binh đã từng tham gia chiến dịch ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và chiến dịch Mùa xuân 1975. Cựu chiến binh Lê Đình Thái – Trung đoàn Tên lửa 263 Pháo phòng không – không quân bồi hồi, xúc động: “Tôi ước ao có một ngày được trở lại thăm chiến trường xưa. Ước ao ấy hôm nay đã thành hiện thực. Càng ý nghĩa hơn khi cùng hành quân với những người cựu binh như chúng tôi còn có Bác Hồ nữa. Đường xa mà chân vẫn khỏe, lòng rất vui, vui lắm, vui không tả nổi”.
Bà Đoàn Thị Lợi- cựu chiến binh TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh lại lắng lọc bao cảm xúc của người phụ nữ từng đi qua chiến tranh. Nhớ đồng đội đã hy sinh, nên cứ mỗi lần ghé vào nghĩa trang, ghé qua di tích lịch sử, bà Lợi lại lặng lẽ thắp hương cầu nguyện. Bà Lợi bảo rằng: Đất nước độc lập, hòa bình rồi lòng lại càng thương nhớ, biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để dân tộc Việt Nam có ngày hôm nay no ấm, hạnh phúc.
Dù cuộc dừng chân tại Khu di tích nữ bác sĩ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm ở Đức Phổ, Quảng Ngãi tuy chỉ vài tiếng đồng hồ nhưng quãng thời gian ấy đã cho chúng tôi cơ hội được nghe nhiều tâm sự của các thành viên chuyến đi. Xúc động thay khi nghe chị Chu Thị Lệ Hằng, có cha là liệt sĩ Chu Diệu, hy sinh tại chiến dịch Hồ Chí Minh tâm sự rằng: Trong suốt hành trình, nơi nào tôi cũng thấy như có hình bóng ba tôi cười tươi phía trước. Chuyến đi này tôi được vào thăm nơi ba đã ngã xuống trước ngày đất nước độc lập. Tôi còn được cùng anh em trong đoàn rước Bác Hồ vào thăm miền Nam ruột thịt – mảnh đất lưu dấu xương thịt của ba tôi và biết bao người chiến sĩ cách mạng anh dũng. Qua mỗi chặng đường, tôi thêm yêu, tự hào về quê hương Việt Nam và thêm trách nhiệm hơn với đất nước, quê hương của mình biết mấy…
Trước lúc chia tay, Trưởng ban tổ chức hành trình ông Lê Xuân Niêm – Giám đốc Trung tâm giáo dục lịch sử nhắn với tôi rằng: Hành trình cảm ơn nhân dân các địa phương đã dành cho đoàn tình cảm đặc biệt nồng hậu. Hành trình vẫn còn tới 9 ngày nữa mới kết thúc nhưng có lẽ thời gian sẽ là rất ngắn cho một cuộc hành quân vô cùng ý nghĩa. “Theo dấu chân thần tốc” sẽ rước Bác Hồ vào thăm miền Nam đúng vào ngày 25.3. Tượng Bác sẽ được quân và dân T.P Hồ Chí Minh trân trọng đón nhận, đưa vào Bảo tàng Hồ Chí Minh để Bác đứng đó cho muôn đời cháu con học tập và noi gương Bác kính yêu…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.