Góc nhìn

Hành trình không điểm dừng

Bắc Vũ 31/10/2023 - 06:37

Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội tiếp tục đón nhận tin vui. Đó là Ứng Hòa vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới.

Trong khi đó, Mỹ Đức là huyện duy nhất của thành phố chưa được công nhận nông thôn mới nhưng đến nay đã hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Thực tế cho thấy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu cả nước. Điểm đáng chú ý là quá trình thực hiện nhiệm vụ này, thành phố có những điểm khác biệt so với các địa phương khác. Trong đó phải kể đến việc xây dựng nông thôn mới gắn với nhiệm vụ phát triển đô thị, xây dựng huyện thành quận.

Trên tinh thần này, Hà Nội có 5 huyện thực hiện song hành hai nhiệm vụ là xây dựng nông thôn mới nâng cao và thực hiện đề án phát triển thành quận là: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng. Dự kiến trong năm 2023, các huyện này sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ở cấp xã, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới (382/382 xã), các địa phương đã tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Điểm nổi bật của bước cao hơn trong xây dựng nông thôn mới là đi vào chiều sâu và thực chất, lấy người dân là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Với những thành quả vững chắc đạt được trong xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đang tiến tới hoàn thành mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra là đến năm 2025: Tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 100%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 40%, nông thôn mới kiểu mẫu là 20%; hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố.

Hiện nay, các cấp, ngành chức năng cũng như các địa phương liên quan đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra. Theo đó, các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo kế hoạch năm 2023 đang nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu về cung cấp nước sạch tập trung; xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế…

Với những yêu cầu mới đặt ra trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, các địa phương cần tiếp tục tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí. Đồng thời, các địa phương tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bảo đảm đa dạng, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, với đặc thù xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, các địa phương cần tích cực xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít diện tích đất; đồng thời tập trung chuyển đổi cơ cấu lao động, đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị. Các địa phương cần quan tâm quy hoạch xây dựng khu trung tâm thương mại, bãi đỗ xe, xử lý chất thải; xây dựng các vùng chuyên canh tập trung và khu, cụm công nghiệp làng nghề; phát triển dịch vụ gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái...

Xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng. Trên hành trình ấy, cần thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hành trình không điểm dừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.