Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp thành phố. Để cụ thể hóa mục tiêu này, năm 2023, thành phố phấn đấu có thêm 61 xã nông thôn mới nâng cao, 33 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 3 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới và 5 huyện hoàn thành hồ sơ trình Trung ương công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay, các địa phương của Hà Nội đang “nước rút” để hoàn thành mục tiêu trên theo đúng kế hoạch.
Nhiều địa phương đã “cán đích”
Năm 2023, huyện Hoài Đức được thành phố giao nhiệm vụ hoàn thành xây dựng 4 xã nông thôn mới nâng cao, nhưng huyện đã thực hiện vượt chỉ tiêu. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, huyện đã trình hồ sơ đề nghị thành phố thẩm định 9 xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu, vượt kế hoạch đề ra.
Ngày 24-10, cán bộ và nhân dân huyện Ứng Hòa cũng vui mừng được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, Ứng Hòa là huyện thứ 2 sau Ba Vì đã hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới trong năm 2023.
Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn thông tin, năm 2023, thành phố giao các huyện, thị xã hoàn thành 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện tại, các huyện, thị xã đang tập trung chỉ đạo thực hiện một số tiêu chí cơ bản đạt và hoàn thiện hồ sơ theo quy định, phấn đấu trình UBND thành phố trước ngày 15-11.
Trong số 3 huyện phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới năm 2022 (Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức), duy nhất còn Mỹ Đức chưa được công nhận đạt chuẩn. Đến nay, huyện Mỹ Đức cũng đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ NN&PTNT, Hội đồng thẩm định nông thôn mới trung ương. Như vậy, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Đối với công tác xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, từ đầu năm 2023, thành phố chỉ đạo thực hiện ở 5 huyện, song hành với xây dựng đề án lên quận, là: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng. Trên cơ sở kết quả đạt được, huyện Thanh Oai cũng đăng ký với thành phố hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Do đó, Hà Nội đang có 6 huyện phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Qua kiểm tra, đánh giá tiến độ mới đây, có 2 huyện: Gia Lâm, Đông Anh đã đạt và cơ bản đạt tiêu chí đề ra. Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện báo cáo, đề nghị Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố họp, thẩm định để trình Hội đồng thẩm định trung ương. Huyện Thanh Trì còn thiếu tiêu chí trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Huyện đã bố trí vốn đầu tư, phấn đấu trong tháng 10-2023 hoàn thiện hồ sơ và trình thành phố...
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ
Cùng với kết quả đạt được, quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn. Tại Hội nghị giao ban quý III-2023 Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội mới đây, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng cho biết, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao của huyện vẫn chưa đạt chuẩn. Huyện đã bố trí quỹ đất, khảo sát quy mô xây dựng 4,45ha, kinh phí dự kiến 393 tỷ đồng. Ngoài công trình này, nguồn kinh phí của huyện hạn chế, nên chưa hỗ trợ được nhiều cho các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Trong số 6 huyện phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, có 3 huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai còn một số chỉ tiêu chưa đạt. Huyện Đan Phượng có 8/15 xã chưa có nước sạch tập trung. Huyện Hoài Đức có 2/4 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (Trường Trung học phổ thông Hoài Đức B, Vạn Xuân) được công nhận năm 2017, đến nay đã hết hạn công nhận; chưa có trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Huyện Thanh Oai còn 8 xã chưa được sử dụng nước sạch tập trung; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến tháng 6-2023 mới đạt 92,5% (yêu cầu đạt 95%). Huyện cũng chưa có đủ số trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo quy định.
Riêng về tiêu chí nước sạch, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, Sở đã chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các huyện, thị xã rà soát danh mục 139 xã chưa có nước sạch, trên cơ sở đó tháo gỡ khó khăn cho từng dự án.
Về tổng thể, trước mắt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí. Các sở, ngành phối hợp, hướng dẫn các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì trong việc hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trên cơ sở kết quả đạt được năm 2023, các địa phương cần rà soát, đề xuất chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cho năm 2024; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội trước năm 2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.