Thế giới

Hành trình gia nhập EU của Ukraine: Chặng đường còn nhiều gập ghềnh

Thùy Dương 26/10/2023 - 07:45

Liên minh châu Âu (EU) sẽ trình bày bản đánh giá về những tiến bộ mà Ukraine đạt được trong nỗ lực trở thành thành viên vào đầu tháng 11 tới. Đây là bước đệm trước khi 27 thành viên của EU đưa ra quyết định có nên bắt đầu các cuộc đàm phán cho Ukraine gia nhập liên minh hay không.

Nhiều nhận định rằng, phải mất chặng đường dài đầy gập ghềnh, Ukraine mới có thể đạt được tư cách thành viên của EU.

tong-thong.jpg
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến trong cuộc họp do Chủ tịch EC Ursula von der Leyen chủ trì, ngày 24-10.

Bản đánh giá này sẽ được đưa ra tại báo cáo thường niên của Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp cao nhất của EU, nêu chi tiết mức độ tiến bộ của các quốc gia muốn gia nhập khối 27 quốc gia trong việc đáp ứng các tiêu chí kinh tế, pháp lý và các tiêu chí cần thiết khác.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 24-10 đã có bài phát biểu trực tuyến trong cuộc họp do Chủ tịch EC Ursula von der Leyen chủ trì, trong đó nói rõ rằng, Ukraine kỳ vọng các cuộc đàm phán chính thức sẽ bắt đầu trước cuối năm nay sau khi Kiev được tuyên bố là ứng cử viên gia nhập EU vào tháng 6-2022.

Lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine không phải ngẫu nhiên được đưa ra trước khi EC công bố báo cáo mở rộng hằng năm vào ngày 8-11 tới. Báo cáo này sẽ được các nhà lãnh đạo châu Âu sử dụng để quyết định bước tiếp theo, rất có thể là trong hội nghị thượng đỉnh EU, dự kiến vào giữa tháng 12 tới. Mọi quyết định đều phải được sự đồng thuận của 27 thành viên.

Nếu được kết nạp, dưới "mái nhà chung", Ukraine sẽ được tiếp cận thị trường chung châu Âu - một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và triển vọng trở thành thành viên Eurozone, những quốc gia sử dụng đồng euro. Việc sử dụng đồng tiền chung sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo điều kiện cho Ukraine phục hồi sau xung đột với Nga. Nhưng điều này cũng sẽ yêu cầu Ukraine phải tuân thủ các quy định của EU, những quy tắc chi tiêu được thiết kế để ngăn ngừa khủng hoảng kinh tế.

Vài ngày sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Kiev đã gửi thư tới EU để chính thức bắt đầu quá trình đăng ký gia nhập liên minh. Một số quan chức EU đã lên tiếng ủng hộ nhưng cũng nói rằng đây sẽ là một quá trình lâu dài. Mùa hè năm nay, EC đánh giá quốc gia đang chìm trong xung đột này đã đáp ứng hai yêu cầu liên quan đến cải cách các cơ quan tư pháp cấp cao và lĩnh vực truyền thông. Công việc đang được tiến hành trong những lĩnh vực còn lại là: Tòa án Hiến pháp, cuộc chiến chống tham nhũng, phòng chống rửa tiền, giảm thiểu ảnh hưởng quá mức của các nhà tài phiệt và bảo vệ các dân tộc thiểu số.

Người Ukraine đang nỗ lực để trở thành thành viên EU nhưng EU và các quốc gia thành viên vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận Kiev. Nếu các nhà lãnh đạo EU thực sự nghiêm túc về việc Ukraine trở thành thành viên thì những nỗ lực cải tổ liên minh này phải được tiến hành khẩn trương. Trọng tâm của vấn đề là ngân sách EU, vốn bị chi phối bởi hai yếu tố chính: Trợ cấp nông nghiệp và các dự án phát triển ở các khu vực nghèo hơn, tổng cộng chiếm khoảng 65% ngân sách dài hạn của liên minh.

Với cả hai vấn đề này, con đường để Ukraine gia nhập EU sẽ gặp nhiều khó khăn. Ukraine là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, với thu nhập bình quân chỉ bằng 1/10 mức trung bình của EU và chưa bằng một nửa so với thành viên nghèo nhất EU là Bulgaria.

Nếu ngân sách và quy trình tái phân bổ không thay đổi, Kiev sẽ ngay lập tức thu hút một phần lớn ngân sách EU, bao gồm cả các khoản tiền hiện đang được chuyển đến những thành viên kém giàu có hơn ở Đông Âu và các nơi khác. Nhiều quốc gia hiện đang được hưởng lợi từ quỹ của EU sẽ trở thành nước đóng góp ròng. Và sẽ không có gì ngạc nhiên khi những rạn nứt lớn nhất trong việc ủng hộ tư cách thành viên của Ukraine xuất hiện ở Đông Âu, nơi tập trung những quốc gia được hưởng lợi từ quỹ của EU.
Ví dụ dễ thấy là vừa qua, EU đã hỗ trợ Ukraine bằng cách cho phép ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp của Kiev vào thị trường chung châu Âu. Mặc dù Ukraine đang rất cần nguồn thu nhưng Ba Lan đã đơn phương ngăn chặn ngũ cốc Ukraine xâm nhập vào lãnh thổ nước này. EU phải can thiệp bằng một thỏa hiệp, cho phép sản phẩm của Ukraine vào EU nhưng yêu cầu phải bỏ qua 5 quốc gia Đông Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự cạnh tranh không mong muốn.

Rõ ràng, những bất đồng trên cho thấy, EU sẽ gặp nhiều thách thức khi kết nạp Ukraine - một trong những nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới nhưng cũng là một trong những nước nghèo nhất châu Âu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hành trình gia nhập EU của Ukraine: Chặng đường còn nhiều gập ghềnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.