Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành trình chiến thắng và những kỷ niệm không quên

An Nhi| 28/04/2015 08:07

(HNM) - Trong vòng vây của báo giới ngay sau khi khai mạc triển lãm

- Triển lãm chọn lọc gần 100 bức ảnh ghi lại hành trình mà ông và "Tổ mũi nhọn" của TTXVN đã trải qua khi tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Bao nhiêu bức trong số đó lần đầu được giới thiệu đến công chúng, thưa ông?

- Trong những ngày tháng nhập vào các binh đoàn hành tiến thần tốc dọc quốc lộ 1 để giải phóng miền Nam, tôi đã chụp hàng nghìn bức ảnh. Tác phẩm giới thiệu tại triển lãm này được chọn từ số ảnh đó. Một số bức quen thuộc với mọi người, như "Lễ trao cờ tại rừng cao su", "Quân đoàn 3 truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất"… Với mong muốn kể thành một câu chuyện liền mạch về hành trình làm nên chiến thắng của quân và dân ta nên tôi chọn ảnh rất kỹ, 80% trong số đã chọn là ảnh mới lần đầu công bố. Đó là những bức ảnh chụp trước hoặc sau những thời khắc trọng đại, như ảnh về các chủ hiệu may ở Đà Nẵng mang máy khâu ra hè để may cờ cách mạng mà không lấy tiền công, về chiến sĩ giao liên, về cô gái chở tôi đến căn cứ quân sự để chụp ảnh giải phóng Đà Nẵng…

- Về sân bay Tân Sơn Nhất trong thời khắc địch bị quân ta truy kích, thất thủ vào ngày 30-4-1975, ông là phóng viên duy nhất chụp được cảnh này. Làm sao vừa có ảnh ở Dinh Độc Lập vừa có ảnh ở sân bay?

- Sau khi chụp những hình ảnh vào thời khắc lịch sử tại Dinh Độc Lập, tôi nghĩ mình cần đến nơi quan trọng khác như Tổng nha Cảnh sát, Bộ Tổng tham mưu chế độ cũ... Ra cổng, một cậu thanh niên tháo đồng hồ ra và hỏi tôi có đồng tiền in ảnh Bác Hồ không để anh ta đổi, mang về cho cả gia đình được thấy hình ảnh Bác trong ngày vui đại thắng. Tôi nói có, nhưng không cần đổi đồng hồ, chỉ nhờ cậu ấy chở đến sân bay Tân Sơn Nhất. Tới đó, tôi thấy những kho xăng đang nổ bùng bùng, máy bay bốc khói ngút trời… Tôi xông vào đường băng, gặp tổ truy kích của quân ta chạy qua, chớp máy liên tiếp. Sau đó, tôi đi ra và đưa cho bạn thanh niên kia 2 tờ tiền mới nhất có ảnh Bác Hồ mà vợ đã chuẩn bị cho trước khi tôi tham gia chiến dịch. Kỷ niệm này đối với tôi rất sâu sắc, không chỉ vì tôi là người duy nhất chụp được khoảnh khắc này, mà bởi cảm xúc về những người dân Sài Gòn. Họ luôn nhớ tới Bác, khát khao nhìn thấy Bác trong ngày vui chiến thắng.

- Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 (40 năm trước được giao nhiệm vụ đánh thẳng vào Dinh Độc Lập - PV) có lần nói nhờ tấm bản đồ của ông mà đơn vị đã xác định rõ mục tiêu, tiến công thành công. Ông kể thêm về chuyện này được không?

- Sau khi giải phóng Phan Rang vào ngày 18-4, chúng tôi lên Đà Lạt, chụp ảnh nơi đã được giải phóng trước đó 2 ngày. Tấm bản đồ Sài Gòn này tôi lấy ở Nha Bản đồ của chính quyền Sài Gòn. Khi nhập vào Trung đoàn 66, tôi thấy Ban Chỉ huy đánh dấu đường tiến công trên một tấm bản đồ rất nhỏ, mờ. Tôi bèn tặng bản đồ của tôi cho các đồng chí. Tất cả đều vui mừng vì đó là tấm bản đồ lớn, có thể giúp vạch đường tiến công nhanh chóng, hiệu quả nhất. Tôi thấy rất tự hào vì góp phần nho nhỏ vào chiến công này.

- Trong chiến thắng vẻ vang ấy chắc chắn có nhiều hy sinh, mất mát...?

- Suốt dọc đường chiến dịch, tôi chứng kiến nhiều mất mát, đau thương. Chính trong đêm 29-4-1975, tôi còn phải chôn đồng đội. Xót thương là vậy nhưng là một phóng viên chiến trường thì phải biết nén đau thương để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

- Trân trọng cảm ơn ông!

NSNA Đinh Quang Thành sinh năm 1942 tại Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội, là phóng viên ảnh của TTXVN từ năm 1958. Phóng sự ảnh "Giải phóng Sài Gòn" của ông được trao giải Ba trong Cuộc thi ảnh báo chí thế giới năm 1976. Ông hiện là Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Hồng Hà tại Hà Nội.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình chiến thắng và những kỷ niệm không quên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.