(HNMCT) - Bên ngoài ô cửa sổ có khi là nắng, có lúc là mưa, cũng như bên trong ô cửa sổ là những câu chuyện cuộc đời có vui buồn, có sướng khổ mà chỉ người trong cuộc mới thấu hết. Trần Ngọc Mỹ như một người ghi chép, chị tỉ mỉ thuật lại những số phận gia đình ở quanh mình. Là Ngôi nhà không sổ đỏ của bé Bông, là nụ cười héo hon của Người bán hoa mặt trời, là day dứt của gia đình Người điên, hay cuộc đời của “con mẹ Khê” trong Kiếp người…
Cuộc sống gia đình hằng ngày bình thường chảy trôi, nhưng chỉ một vài gợn sóng cũng đủ khiến những thành viên trong tổ ấm ấy chênh chao. Như một cơn bạo bệnh đổ ập xuống bất ngờ, nỗi mong ngóng con trai của gia đình độc đinh nhưng cố sinh mấy đứa vẫn toàn là “vịt”, cả chuyện cô gái nhà nghèo đỗ đại học mà không có tiền để nhập trường, hay đôi lứa không đến được với nhau do gia đình cấm cản..., đều là những câu chuyện cuộc đời vẫn đang tiếp diễn đã được đưa vào rất tự nhiên trong Nắng ngoài ô cửa sổ (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh).
18 truyện ngắn trong tập sách thấm đẫm hơi thở cuộc sống, là tình yêu lứa đôi, câu chuyện gia đình, là cuộc sống thường nhật với ghen tuông, giận hờn, với vất vả mưu sinh của Ngày bình thường, Bước nhẹ qua nhau, Hạnh phúc của đàn bà, Nắng vụn, Con dâu…
Nếu những truyện ngắn như Ngày không ám khói, Nắng ngoài ô cửa sổ, Ngôi sao lấp lánh với những nút thắt “kịch tính” được giải quyết khéo léo mang đến những hy vọng và nụ cười ở đoạn kết, thì ở nhiều truyện ngắn khác, có cảm giác mang hơi hướng tản văn, thiếu nút thắt mở, không có cao trào, nhưng lại hấp dẫn bằng những miêu tả tinh tế, tỉ mỉ quan sát và sự phong phú trong thế giới nội tâm vốn đa dạng, phức tạp của con người.
Trong Nắng ngoài ô cửa sổ, dễ nhận ra ở rất nhiều truyện ngắn, những số phận phụ nữ đây đó vẫn đang phải chịu nhiều ảnh hưởng từ tư duy phong kiến trọng nam khinh nữ, đặc biệt là những người phụ nữ ở nông thôn.
Đó là khát khao có người nối dõi tông đường của nhiều người ông, người bố, người chồng, trong Con trai con gái, Nhà có ba con gái, để rồi khi đau ốm, lúc tuổi già trái gió trở trời mới nhận ra “con trai hay con gái mà chẳng được, miễn là nuôi nó lớn khôn, nó biết hiếu thảo với mình”.
Đó là những cô gái trong truyện Chị Xiêm, Ngày không ám khói vì nhà nghèo hay vì quyết định ở quê nhà khởi nghiệp mà đã trở thành “không còn xứng” với người yêu học đại học của mình trong mắt nhà chồng tương lai.
Đó là những áp đặt về “phận làm vợ”, “phận làm con dâu” của thời phong kiến giờ đây cứ luôn được đem ra để áp đặt cho những người phụ nữ thời hiện đại trong truyện Bao giờ mới lớn, Con dâu...
Đi qua 18 câu chuyện đời của Trần Ngọc Mỹ, có vui có buồn, có xót xa, đủ để nhận ra rằng hình như con người thường hay tham lam mà chỉ “khi thấy cuộc sống bị đe dọa, người ta mới hiểu hết từng giây từng phút yên bình bên nhau đáng quý thế nào”. Ở ngoài ô cửa sổ sẽ luôn là nắng đẹp, nếu mỗi người luôn hiểu rằng “được sống một ngày bình thường đã là hạnh phúc vô bờ bến”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.