Chính trị

Hành lang pháp lý cho sự phát triển thuận lợi của Thủ đô và cả nước

Tiến Thành 28/06/2024 12:45

Sáng 28-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhanh ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

thanhmai.jpg
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai. Ảnh: Tiến Thành

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai:
Tạo chính sách và những đột phá mới, đáp ứng tư duy, tầm nhìn mới

Quốc hội vừa thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ bảy với tỷ lệ phiếu đồng thuận rất cao, trên 95% tổng số đại biểu Quốc hội đã nhất trí thông qua. Có thể nói đây là thời khắc mà tất cả các đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội cùng có cảm xúc không bao giờ quên. Chúng tôi đã có những đóng góp dù nhỏ bé cùng với Quốc hội, cùng với lãnh đạo thành phố đạt được những thành quả sau chặng đường gần hai năm, từ khi xây dựng để đưa dự thảo Luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, cho đến khi thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu và thông qua tại kỳ họp thứ bảy.

Sau khi Luật được thông qua, rất nhiều đại biểu Quốc hội Đoàn các tỉnh, thành phố cùng chung vui với Hà Nội, từ đó thấy được trọng trách cũng như niềm tin yêu của đại biểu, của các Đoàn đại biểu hướng về Thủ đô. Chúng tôi thực sự thấy rất xúc động.

Với Thủ đô Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ có giá trị pháp lý đặc biệt quan trọng, cùng với hai quy hoạch của Thủ đô đã xin ý kiến Quốc hội và sẽ trình Thủ tướng phê duyệt, sẽ tạo được một khuôn khổ giá trị cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cho Thủ đô Hà Nội triển khai thực hiện các nhiệm vụ, những chính sách và những đột phá mới, những tư duy, tầm nhìn mới để đáp ứng được yêu cầu trọng trách mà Đảng, Nhà nước cũng như nhân dân cả nước tin tưởng, giao phó. Từ đó xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại theo đúng tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.

Có thể khẳng định, trung tâm thụ hưởng các thành quả này chính là nhân dân của Thủ đô và nhân dân cả nước. Các quy định trong Luật đã giao trọng trách rất lớn lao cho Thủ đô, đồng thời đặt ra trách nhiệm của lãnh đạo thành phố Hà Nội trong thời gian tới cũng rất nặng nề.

tranhoangngan.jpg
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Tiến Thành

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Trần Hoàng Ngân:
Nội dung Luật Thủ đô rất toàn diện

Tôi ủng hộ tuyệt đối những nội dung của Luật Thủ đô lần này vì Luật kế thừa Luật Thủ đô trước đây và cập nhật những quy định mới, cơ chế mới áp dụng cho các địa phương cũng được tích tụ các tinh túy đó vào Luật Thủ đô.

Hầu hết các quốc gia đều dành riêng cho Thủ đô một luật, vì Thủ đô là trái tim của đất nước, nên cần phải có những cơ chế hết sức đặc thù. Điều quan trọng hơn, Thủ đô là trung tâm hành chính, chính trị, là bộ mặt quốc gia, nên những cơ chế, chính sách phải được phân cấp mạnh mẽ cho lãnh đạo Thủ đô để có những quyết sách sớm, cũng như điều chỉnh những bất hợp lý ngay, mà không phải chờ thủ tục xin ý kiến của Chính phủ. Tôi thấy các nội dung của Luật Thủ đô được thông qua rất toàn diện.

Tôi quan tâm nhiều nhất đến vấn đề phân cấp, phân quyền trong tổ chức bộ máy, quản lý đô thị và mở rộng không gian phát triển Thủ đô. Những phân cấp đó sẽ giúp Thủ đô giảm bớt tắc nghẽn hiện nay về giao thông, hạ tầng, bệnh viện, trường học. Khi mở rộng được không gian phát triển, sẽ giảm được mật độ dân số ở khu vực trung tâm.

Tôi nghĩ điều quan trọng hiện nay là chúng ta phải hỗ trợ Thủ đô hoàn tất hệ thống tuyến đường sắt đô thị trong Thủ đô và mở rộng không gian phía Nam, phía Bắc sông Hồng, lấy sông Hồng làm trục trung tâm, để Hà Nội trở thành nơi đáng đến và đang thích đến thì giờ người ta phải trở lại. Nhưng phải giữ được không gian văn hóa, nét đẹp riêng có của Thủ đô. Cho nên, tôi vẫn thích Thủ đô có “phố nhỏ, ngõ nhỏ”, khu vực 36 phố cũ, chỉ chỉnh trang lại, phải giữ được cái hồn.

hoaison.jpg
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Tiến Thành

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn:
Tạo điều kiện cho sự phát triển văn hóa Thủ đô và đất nước

Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua với số phiếu rất cao, chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội tới sự phát triển chung của Thủ đô cũng như của đất nước. Chúng ta biết rằng qua một thời gian thực thi, khuôn khổ pháp lý Luật Thủ đô năm 2012 không còn phù hợp với xu thế phát triển đất nước. Chính vì thế, Luật Thủ đô được sửa đổi để tạo hành lang pháp lý phù hợp hơn, thuận lợi hơn cho sự phát triển không chỉ riêng cho Thủ đô mà còn cho cả đất nước.

Một trong những điều tôi đánh giá rất cao trong Luật Thủ đô lần này đó là những quy định về văn hóa. Hà Nội luôn luôn tự hào là Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ, tỏa sáng những giá trị văn hóa của đất nước. Chính vì thế, những điều khoản tạo điều kiện cho sự phát triển văn hóa Thủ đô cũng sẽ tạo điều kiện cho sự tỏa sáng của văn hóa đất nước. Trong Luật Thủ đô lần này đã có rất nhiều những quy định liên quan đến văn hóa; những quy định về khu vực cho công nghiệp văn hóa, cho các không gian sáng tạo.

Luật cũng tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong Luật PPP, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để tạo thuận lợi cho các lĩnh vực văn hóa có những bước phát triển mới. Tôi đánh giá rất cao quy định thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Thủ đô rất quan tâm đến phát triển công nghiệp văn hóa. Những điều khoản liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa trong Luật Thủ đô thực sự sẽ giúp cho những quan điểm, chủ trương của thành phố được thực hiện tốt hơn.

xuancu.jpg
Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội Trương Xuân Cừ. Ảnh: Tiến Thành

Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội Trương Xuân Cừ:
Thủ đô có đầy đủ các yếu tố “địa lợi, nhân hòa”

Luật Thủ đô là một trong những cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Như vậy, trước hết, một trong những vấn đề cốt lõi trong Luật Thủ đô là các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô xứng tầm trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa của cả nước; quan trọng nhất là phát huy được truyền thống Thủ đô văn hiến nghìn năm và Thủ đô văn minh, hiện đại.

Thứ hai, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã luật pháp hóa các nội dung về phân cấp, phân quyền cho các cấp hành chính của các địa phương, từ thành phố đến các quận, các phường để từ đó có cơ chế ủy quyền, phân cấp, giúp cấp ủy và chính quyền thành phố phát huy tiềm năng, lợi thế.

Thủ đô Hà Nội đã được chứng minh một trong những trung tâm thu hút nhân tài, các nhà khoa học của cả nước. Luật Thủ đô đã dành sự quan tâm đặc biệt, trong đó xác định vấn đề xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, đội ngũ khoa học là hết sức quan trọng, thậm chí là cơ chế quyết định để phát triển và nâng tầm Thủ đô. Tôi cho rằng Thủ đô với truyền thống, kinh nghiệm thu hút nhân tài, các nhà khoa học, với chính sách mới, với những cơ sở pháp lý mới, sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế và Hà Nội chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người tài.

Từ đó thành phố sẽ là một trong những địa phương có đầy đủ các yếu tố “địa lợi, nhân hòa”. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những yếu tố, tác nhân hết sức quan trọng để phát triển Thủ đô thời gian tới.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định đổi mới các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư. Trong đó việc đưa Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội cũng là cơ sở để thành phố có môi trường, điều kiện thu hút các nhà đầu tư, các nhà khoa học góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hành lang pháp lý cho sự phát triển thuận lợi của Thủ đô và cả nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.