(HNM) - Hơn 50 nhà lãnh đạo các quốc gia, cùng nhiều gương mặt nổi bật trong giới tài chính và các tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới… đã quy tụ về trung tâm nghệ thuật La Seine Musicale (đảo Seguin, Paris, Pháp), tham gia “Hội nghị Thượng đỉnh Một hành tinh” (One Planet Summit).
Diễn ra 2 năm sau thỏa thuận lịch sử tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21), hội nghị bất thường về biến đổi khí hậu này được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kỳ vọng tạo ra động lực quan trọng cho các nỗ lực chống lại hiện tượng Trái đất ấm dần lên, trong bối cảnh Mỹ đã rút khỏi COP21.
Với vai trò chủ nhà, nước Pháp đã thể hiện sự năng động hiếm thấy trong nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu. |
Trong khuôn khổ một ngày làm việc, 4 diễn đàn thuộc Hội nghị đã nêu bật những vấn đề liên quan đến chống biến đổi khí hậu hiện nay với điểm nhấn nằm ở việc kiểm soát và duy trì các nguồn tài chính phục vụ chuyển đổi sang một nền kinh tế phi carbon. Mặt khác, những nỗ lực cụ thể của từng thành phố, vùng lãnh thổ nhằm đóng góp tích cực hơn vào việc thực hiện Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu cũng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ.
Hội nghị lần này cũng là dịp để các nhà lãnh đạo thể hiện sự bất bình với quyết định từ bỏ các chính sách bảo vệ Trái đất của Tổng thống Donald Trump. Sự rút lui của Mỹ được đánh giá sẽ đem tới những tác động tiêu cực, một phần do không còn nguồn cam kết tài chính lớn mà nước này cam kết đóng góp cho quỹ xanh để giúp các nước chậm phát triển đối phó với biến đổi khí hậu.
Do vậy, các lãnh đạo thế giới đã cam kết khoản đầu tư ít nhất 1 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia và các ngành công nghiệp, nhằm giảm dần tiêu thụ dầu mỏ và than đá. Thậm chí, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim tuyên bố tổ chức này sẽ tạm thời chấm dứt hỗ trợ tài chính cho các dự án dầu mỏ và khí đốt trong tối thiểu 2 năm. Những động thái cương quyết này được kỳ vọng sẽ giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính và hạ thấp nồng độ CO2 trong khí quyển, hiện ở mức cao nhất trong lịch sử nhân loại.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là hai trong tổng số 12 cam kết mạnh mẽ được đưa ra trong Hội nghị. Các bên cũng đã thông qua nhiều giải pháp thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khác như sáng kiến mang tên “Hành động Khí hậu 100+” nhằm theo dõi và buộc thay đổi phương thức hoạt động đối với 100 công ty gây ô nhiễm nhất thế giới; cam kết nâng mức đóng góp tài chính thường niên từ phía các tập đoàn kinh tế, nhiều quốc gia và tổ chức…
Ngoài ra, những tỷ phú hàng đầu của nước Mỹ như Bill Gates hay Richard Branson cũng công bố một loạt các dự án quốc tế cung cấp hàng tỷ USD nhằm đối phó với sự ấm lên của Trái đất. Trong Hội nghị, nhiều tiếng nói có trọng lượng khác của tỷ phú Bloomberg hay cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đều khẳng định xu thế tất yếu của thế giới dịch chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Về phần mình, Trung Quốc cũng nêu rõ mỗi năm nước này đã đầu tư 17 tỷ USD cho phát triển năng lượng xanh và tiếp tục tăng mức đầu tư này trong dài hạn.
Hội nghị lần này cũng cho thấy một nước Pháp năng động trong các vấn đề toàn cầu. Bên cạnh việc 91 công ty Pháp cam kết dành 300 tỷ euro cho các biện pháp nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Tổng thống E.Macron còn tuyên bố sẽ chi hàng triệu euro để đưa 18 nhà khoa học môi trường danh tiếng từ Mỹ về Pháp làm việc. Nhiều chuyên gia cũng nhận định sự năng nổ như vậy đã giúp ông chủ Điện Elysee nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, đồng thời đưa Paris lên vai trò lãnh đạo thế giới về vấn đề môi trường.
Sau khoảng trống mà Mỹ để lại, những cam kết hết sức thiết thực mà các bên đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị lần này đã góp phần không nhỏ trong việc hạn chế những bất cập có thể phát sinh, đồng thời thể hiện quyết tâm hành động vì một hành tinh xanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.