Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành động tích cực để “Sống hài hòa với thiên nhiên”

Kim Nhuệ| 05/06/2017 07:01

(HNM) - Để hiểu rõ hơn về cam kết của Hà Nội

Hướng dẫn nông dân xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) xử lý rơm rạ sau thu hoạch làm phân bón hữu cơ.


- Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay, TP Hà Nội có những hoạt động gì, thưa ông?

- Thực hiện nhiệm vụ thành phố giao, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chủ động hướng dẫn các tổ chức chính trị - xã hội, sở, ngành, quận, huyện, thị xã... trên địa bàn thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường; triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; tập trung thực hiện Kế hoạch số 04/ KH-UBND ngày 10-1-2017 của UBND thành phố về thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Sở sẽ tổ chức hàng loạt chiến dịch ra quân bảo vệ môi trường vì Thủ đô xanh - sạch - đẹp…

- Xin ông có thể nói rõ hơn về các hoạt động bảo vệ môi trường trọng tâm trong Tháng hành động này?

- Sở Tài nguyên và Môi trường phát động, trao giải cuộc thi sáng tác thông điệp xanh cho các em học sinh với chủ đề “Giấc mơ không khói xe”. Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của các em về tác hại của khí thải từ khói xe, các lợi ích của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, thân thiện với môi trường. Cuộc thi đã thu hút hàng trăm học sinh tham gia và 16 bài đã được lựa chọn trao giải.

Bên cạnh hoạt động trên, trong Tháng hành động Vì môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức chiến dịch giảm thiểu khí thải từ các phương tiện giao thông nhằm khuyến khích và vận động người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, thân thiện với môi trường để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm không khí. Tham gia chiến dịch, các tình nguyện viên thực hiện tuyên truyền “tắt máy khi dừng đèn đỏ” tại 20 điểm nút giao thông có mật độ lớn trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, trong Tháng hành động Vì môi trường, lần đầu tiên Sở Tài nguyên và Môi trường phát động chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ” được thực hiện thí điểm tại xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng). Mục tiêu của chiến dịch là nâng cao nhận thức cho nông dân về tác hại của việc đốt rơm rạ, đưa ra các phương án hữu ích trong việc tái chế, tái sử dụng rơm rạ để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của người dân. Khoảng 100 hộ gia đình tham gia mô hình này ký cam kết thực hiện chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”. Chiến dịch này thành công cũng đồng nghĩa với việc hàng nghìn người dân đang sinh sống tại xã Thọ Xuân nói riêng và huyện Đan Phượng nói chung sẽ không bị ảnh hưởng về sức khỏe từ khói đốt rơm rạ. Cũng trong Tháng hành động Vì môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường phát động cuộc thi ảnh với chủ đề “Tác hại của việc sử dụng bếp than tổ ong và đốt rơm rạ”.

- "Tháng hành động" rồi sẽ qua, nhưng môi trường là vấn đề lâu dài. Vậy chúng ta cần làm gì để hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố được diễn ra thường xuyên, thưa ông?

- Để hoạt động diễn ra thường xuyên thì các chương trình về bảo vệ môi trường cần được nhận thức đúng đắn và có sự cam kết, hợp tác cao giữa các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô. Các chương trình, kế hoạch cần được xác định rõ ràng, đúng mục tiêu, mục đích, phù hợp với tình hình thực tế, thể hiện tính bền vững, cân đối hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện cũng cần có sự tham gia của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức luôn phải đi đầu cùng với việc xây dựng các thể chế, chính sách rõ ràng, minh bạch, đầy đủ thông tin...

- Ngoài các hoạt động trên, xin ông cho biết, Hà Nội có giải pháp nào để bảo vệ môi trường nước, không khí?

- Hiện nay, Hà Nội đang tích cực triển khai các dự án xử lý rác thải công nghệ tiên tiến. Nhiều hồ có môi trường nước ô nhiễm nghiêm trọng (cả ngoại thành và nội thành) đã được xử lý. 10 trạm quan trắc không khí tự động và 2 trạm quan trắc nước hồ đã được lắp đặt và vận hành nhằm cung cấp kịp thời hiện trạng chất lượng không khí và nước. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư thêm các trạm quan trắc theo quy hoạch mạng lưới quan trắc đã được phê duyệt nhằm đánh giá tổng thể chất lượng môi trường và công khai cung cấp thông tin đến từng người dân Thủ đô...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hành động tích cực để “Sống hài hòa với thiên nhiên”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.