Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành động quyết định tương lai

Gia Khánh| 08/11/2012 07:11

(HNM) - Phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái, đô thị bền vững mà ở đó con người là trung tâm của sự phát triển là xu thế chung trên thế giới.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh. Sau 25 năm đổi mới, nước ta đã có mạng lưới hơn 760 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa hơn 31% và dự báo sẽ vào khoảng 45% trong 10 năm tới. Khu vực đô thị hằng năm đóng góp khoảng 70-75% GDP và khẳng định vai trò động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở mỗi địa phương và cả nước. Trong đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai đầu tàu lần lượt đóng góp 12%, 21% GDP cả nước. Tuy nhiên, hai đô thị này nói riêng, các đô thị khác nói chung đang đối mặt với sự cạnh tranh của các đô thị các quốc gia láng giềng, đòi hỏi phải có sự hấp dẫn, có tính cạnh tranh quyết liệt. Trong khi đó, chi phí cho đầu tư phát triển còn quá khiêm tốn so với nhu cầu.

Phát triển đô thị sinh thái đang là xu thế chung trên thế giới. Ảnh: Thái Hiền


Tại hội nghị "Tương lai đô thị Việt Nam - Hành động hôm nay", do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, cùng với sự phát triển trong thời gian qua, Hà Nội phải đối diện với nhiều thách thức như gia tăng dân số cơ học, quá tải hạ tầng kỹ thuật - xã hội, ô nhiễm môi trường… Bên cạnh đó, phương thức quản lý chuyên môn hóa theo từng lĩnh vực, từng bộ phận cũng dần không còn thích hợp với tốc độ, tính chất phát triển của mạng lưới đô thị, nhất là các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng rất hạn hẹp, năng lực điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền hạn chế…

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, cần tìm ra mô hình phát triển tiên tiến như đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị bền vững… mà con người là trung tâm, là mục tiêu trong các định hướng chiến lược về phát triển đô thị trên thế giới. Việt Nam, một trong những quốc gia đang phát triển mạnh, cũng không nằm ngoài định hướng chiến lược này. Thực tế, trên định hướng phát triển, Việt Nam luôn chủ trương hài hòa, bền vững giữa các vùng, xây dựng đô thị kết hợp với nông thôn mới; tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp để các vùng trong cả nước cùng phát triển trên hướng phát huy lợi thế và tạo sự liên kết chặt chẽ. Mục tiêu cụ thể được đặt ra là từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện môi trường, gồm một số thành phố lớn, nhiều thành phố vừa và nhỏ liên kết, phân bố hợp lý trên các vùng. Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, theo đó tăng trưởng xanh được khẳng định là một nội dung quan trọng của sự phát triển bền vững, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần quan trọng thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Việc đạt được các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường, xây dựng công trình xanh, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, phát triển đô thị sinh thái… là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chiến lược này.

Hiện nay, các chương trình phát triển đô thị đều được lồng ghép với việc ứng phó với biến đổi khí hậu và chú trọng nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý, huy động mọi nguồn lực đầu tư. Với Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết, thành phố đang tập trung cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, xây dựng các quy chế quản lý quy hoạch, quản lý đô thị; xây dựng cơ chế di chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm, trường học, bệnh viện ra ngoài nội đô; nghiên cứu cơ chế huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên cho giao thông, trường học, bệnh viện… Chính quyền, tuy không giữ vai trò trực tiếp trong việc phát triển đô thị, nhưng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy, tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng các quyết định quy hoạch, đầu tư, cơ chế chính sách hỗ trợ. Nói cách khác, các lợi thế cạnh tranh của đô thị xuất phát từ các quyết định của chính quyền đô thị. Vì thế hành động đúng đắn hôm nay sẽ quyết định cho tương lai mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành động quyết định tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.