Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành động kịp thời

Hà Anh| 31/03/2016 05:49

(HNM) - Mặc dù đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2015 đã đạt được những "kết quả tốt hơn cả mong đợi" và đưa ra dự báo lạc quan về năm 2016, Báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á (ADO) 2016 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đồng thời cũng cảnh báo kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, cả trong trước mắt và dài hạn.

Quả thực là trong bối cảnh năm 2015 có rất nhiều "sóng to gió lớn", nhưng "con thuyền" kinh tế Việt Nam vẫn "cập bến" đầy ngoạn mục. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% - cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây; lạm phát được kiểm soát ở mức 0,6% - thấp kỷ lục trong vòng 14 năm qua; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 14,5 tỷ USD - cũng là mức kỷ lục… Phải khẳng định, "đòn bẩy" cực kỳ quan trọng để có được kết quả ấn tượng đó chính là nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế, đặc biệt là chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô; bên cạnh đó là cố gắng vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Những thành tựu đó là cơ sở dẫn đến những đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam. Ngoài ADB, kết quả khảo sát mới đây của Hãng thông tấn Bloomberg cũng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2016 sẽ đạt 6,7%, bằng tốc độ của năm 2015. Trong khi đó, nhóm chuyên gia của Ngân hàng ANZ thì cho rằng, trong bối cảnh hàng loạt nền kinh tế mới nổi bị suy giảm thì giai đoạn 2016-2017, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Tuy nhiên, đúng như cảnh báo của ADB, chúng ta không nên quá lạc quan với những thành tựu ấn tượng đã đạt được cũng như những triển vọng phát triển trong thời gian tới. Có nhiều lý do để khẳng định điều này.

Thứ nhất là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua phụ thuộc nhiều vào "ngoại lực". Khu vực FDI vẫn là một động lực chính của nền kinh tế, trong khi cộng đồng DN Việt, đa phần là DN nhỏ và vừa, hầu hết chưa hồi phục sau khủng hoảng. Đặc biệt là khu vực DN nhà nước được xem là trụ cột của nền kinh tế với rất nhiều ưu ái nhưng lại không đóng góp nhiều như kỳ vọng. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào hoạt động xuất khẩu và sự suy giảm của các nền kinh tế lớn đồng thời là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tất yếu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của nước ta. Thứ hai, việc hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, đáng kể là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp có hiệu lực, vốn được xem như là những cơ hội vàng cho nền kinh tế Việt Nam, thế nhưng, trên thực tế thì như đã nói, "sức khỏe" của cộng đồng DN Việt còn yếu, ngoài ra năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của nền kinh tế còn rất thấp, vì vậy rất có thể chúng ta sẽ bị vuột mất cơ hội, thậm chí nguy cơ "thua trên sân nhà" là thấy rõ.

Trên thị trường tràn lan hàng hóa nhập khẩu, từ máy móc gia dụng đến quần áo, giày dép, thịt lợn, thịt gà, thịt bò… được bán với giá rẻ hơn hàng hóa trong nước, và đó là một lý do dẫn đến nhập siêu tăng cao. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tình trạng nợ công, nợ xấu, thu ngân sách giảm cũng là những thách thức không nhỏ. Đáng nói là thiên tai, biến đổi khí hậu đang có những tác động tiêu cực tới sự phát triển của nền kinh tế. Hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, xâm nhập mặn, sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, rét đậm rét hại ở miền Bắc… đã ảnh hưởng rất lớn tình hình sản xuất kinh doanh cũng như đời sống nhân dân …

Rõ ràng là không thể yên tâm khi nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố chông chênh. Vì vậy, chúng ta phải có những hành động kịp thời, thậm chí ngay tức thì để củng cố sức mạnh của nền kinh tế, trong đó đáng kể là cần đẩy nhanh tiến trình cải cách thể chế cùng với tiến trình tái cơ cấu DN nhà nước, đồng thời có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy DN tư nhân phát triển nhằm tăng cường sức mạnh nội lực, tăng cường sức cạnh tranh và tính hiệu quả của nền kinh tế, như thế mới tạo động lực mới cho tăng trưởng bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hành động kịp thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.