(HNM) - Các Bộ trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các sự việc phức tạp đang diễn ra ở Biển Đông...
Các Bộ trưởng đều nhấn mạnh, trước tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông, ASEAN cần phải kịp thời thể hiện lập trường chung của mình nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, ngăn ngừa gia tăng căng thẳng.
Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua Tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Ngoại giao về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông. Tuyên bố bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về các vụ việc hiện nay ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng ở khu vực; yêu cầu các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển Liên hợp quốc 1982, thực hiện kiềm chế và không được có các hành động có thể ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở khu vực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC nhấn mạnh việc cần phải sớm có Bộ quy tắc COC. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thông qua Tuyên bố riêng về tình hình hiện nay ở Biển Đông lần này đã thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao và vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và của khu vực nói chung; khẳng định mạnh mẽ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và của ASEAN. Có thể thấy, đây là lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ (kể từ 1995), ASEAN ra một Tuyên bố riêng về một tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Ngư dân Quảng Nam treo cờ Tổ quốc trước khi ra khơi. Ảnh: Lê Trung |
* Cùng ngày, một nhóm thượng nghị sỹ có thế lực của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ là Robert Menendez, Marco Rubio, Ben Cardin, Jim Risch, John McCain cùng với Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Chủ tịch Thường trực Thượng viện, đã ra tuyên bố chung lên án việc Trung Quốc liên tục có hành động gây căng thẳng ở Biển Đông. Nhóm các nghị sĩ này cũng hối thúc các nghị sĩ khác thông qua nghị quyết của Thượng viện Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ đối với tự do giao thông hàng hải trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải bằng con đường ngoại giao hòa bình. Tuyên bố chung của nhóm các Thượng nghị sĩ viết: "Việc Trung Quốc mới đây di chuyển một giàn khoan thăm dò, được các tàu quân sự và tàu bè khác hộ tống, vào vùng biển Việt Nam cùng với những hành vi hiếu chiến tiếp theo đó của tàu Trung Quốc, trong đó có việc đâm vào các tàu của Việt Nam, là rất đáng quan ngại. Những hành động này đe dọa dòng chảy thương mại tự do toàn cầu trong một khu vực có tầm quan trọng sống còn. Tuyên bố đơn phương hồi tháng 11-2013 của Trung Quốc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và các hành động quấy nhiễu tàu bè Nhật Bản đang tiếp tục diễn ra xung quanh vùng lãnh thổ nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản ở vùng biển Hoa Đông cũng đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với an ninh của khu vực". Tuyên bố chung khẳng định: "Chúng tôi hối thúc chính quyền nói rõ với Trung Quốc ở cấp cao nhất rằng các yêu sách và tranh chấp lãnh thổ cần phải được giải quyết một cách hòa bình, thông qua ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng hoặc sử dụng vũ lực, cưỡng bức và hăm dọa đều không thể chấp nhận và sẽ dẫn tới bất ổn định".
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Eliot L.Engel, thành viên cao cấp của đảng Dân chủ tại Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, ra thông cáo báo chí lên án các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, coi đây là cách hành xử đe dọa hòa bình và sự ổn định chung của khu vực. Hạ nghị sĩ Eliot L.Engel nêu rõ việc Trung Quốc tiến hành khoan thăm dò và hăm dọa các tàu của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa là những hành động khiêu khích không cần thiết, đe dọa hòa bình và ổn định của toàn bộ khu vực. Các hành xử này của Trung Quốc là mang tính thù địch.
* Hành động của Trung Quốc là thách thức nghiêm trọng đối với khu vực. Giám đốc Chương trình Châu Á thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI) Edward Schwarck đã khẳng định như vậy khi chia sẻ quan điểm liên quan đến vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông. Theo ông E.Schwarch, hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trái phép tại EEZ và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông có thể là một phần của chiến lược Bắc Kinh đang triển khai nhằm thực hiện những bước đi có lợi, từ đó thúc đẩy việc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Hành động kiểu này của Trung Quốc tạo ra thách thức nghiêm trọng đối với Việt Nam và các bên có tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay với các nước khu vực là phải tìm ra biện pháp thích hợp để thể hiện phản ứng của mình. Đây chính là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc nhằm cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang mà có thể là thảm họa đối với tất cả các bên liên quan.
Nhận định về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, ông Taylor Fravel, Giáo sư Chính trị học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ), chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc, cho rằng xét về mặt kinh tế, chưa có cơ sở chứng minh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan có trữ lượng hydrocarbon lớn. Vì thế, hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 với chi phí xây dựng khoảng 1 tỷ USD và chi phí vận hành lớn không phải là một dự án nhiều tiềm năng. Từ đây có thể thấy rằng Trung Quốc sử dụng giàn khoan là nhằm khẳng định và thực thi quyền tài phán đối với các vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Đánh giá về cơ sở pháp lý của việc Việt Nam khẳng định Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ, Giáo sư Fravel khẳng định vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tính từ đường cơ sở. Giàn khoan cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý, và vì thế nằm trên thềm lục địa của Việt Nam và nằm hoàn toàn trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
* Manila Bullettin đăng tải bài viết "ASEAN thống nhất chống lại Trung Quốc" của Floro M.Mercene, Giám đốc Thông tin và Quan hệ công chúng, Tổng cục Du lịch Philippines, nguyên phóng viên tờ Evening News và Philippines News Service cho rằng: Hành động của Trung Quốc tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ quốc tế, đó là: Một quốc gia có thể lợi dụng quy mô và sức mạnh để bắt nạt các nước láng giềng, phớt lờ luật pháp quốc tế. Nếu hành động này không bị lên án và ngăn chặn, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hành động khiêu khích, đưa thế giới trở lại thời kỳ hỗn loạn với sức mạnh quân sự và sự hiếu chiến có thể tạo ra sự thống trị của mỗi quốc gia.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 Tối 10-5, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) 2014 và ông Nguyễn Văn Thanh, Ủy viên Thường trực Tổ công tác liên ngành Vesak của Chính phủ đã chủ trì buổi họp báo thông tin về thành công của đại lễ. Trả lời câu hỏi của các phóng viên đề nghị cho biết ý kiến của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 vào khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh: Đây là việc làm sai trái, không phù hợp với luật pháp quốc tế, gây phức tạp thêm tình hình, đe dọa đến an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông, không có lợi cho hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình. Là dân tộc đã trải qua những giai đoạn lịch sử đau thương mất mát do chiến tranh, Việt Nam thấu hiểu, trân trọng ý nghĩa và giá trị của hòa bình, tôn trọng công bằng, công lý và chính nghĩa. Với tinh thần đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các vị chư tôn giáo phẩm, các vị đại biểu Phật giáo, tăng ni, Phật tử, các bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình trên thế giới lên tiếng phê phán hành động hoàn toàn sai trái nêu trên của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển theo quy định Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải trên Biển Đông. Đồng thời kêu gọi giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới. |
Hỗ trợ lực lượng kiểm ngư kiên cường bám biển Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã gửi thư động viên đến lực lượng kiểm ngư, trong thư nhấn mạnh: Những ngày qua, lực lượng kiểm ngư đã tích cực tham gia cùng với các đơn vị chức năng bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, một số đồng chí bị thương, song tất cả vẫn kiên cường bám biển. Để động viên tinh thần lực lượng kiểm ngư, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã tặng 140 triệu đồng cho các tàu kiểm ngư bị thiệt hại và 2 triệu đồng cho mỗi cán bộ kiểm ngư bị thương trong vụ việc vừa qua. Ngọc Quỳnh |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.