(HNM) - Kết quả điều tra bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao vừa công bố tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, hàng hóa có xuất xứ từ các nước Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đang dần nổi lên trong sự lựa chọn của người tiêu dùng Việt.
Những thay đổi đáng ngại
Sau gần 4 tháng thực hiện (từ tháng 8 đến tháng 12), với 17.300 phiếu đạt chuẩn, kết quả khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 cho thấy, sản phẩm trong nước dù còn chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ 51% người tiêu dùng yêu thích và 60% người tiêu dùng thường xuyên mua dùng, nhưng con số này đã giảm 27% tỷ lệ yêu thích và 32% tỷ lệ thường mua dùng so với kết quả khảo sát năm 2017. Tương ứng với sự sụt giảm của hàng Việt là tỷ lệ mua hàng ngoại tăng lên. Khảo sát năm 2017, sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc được người tiêu dùng thường mua chỉ dưới 3%, thì đến nay đã tăng lên 8-10%, riêng các sản phẩm như bánh kẹo, đồ uống tăng khá cao với 12-17%. Tỷ lệ yêu thích sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng cao hơn so với tỷ lệ mua dùng, điều đó cho thấy trong tương lai gần tỷ lệ mua dùng sẽ tăng lên.
Doanh nghiệp Việt phải rất nỗ lực cạnh tranh với hàng nhập ngoại. |
Theo ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách ban điều tra Hàng Việt Nam chất lượng cao, bên cạnh việc tận dụng tốt tâm lý “sính hàng ngoại” của người tiêu dùng Việt, các doanh nghiệp Thái Lan, Nhật bản, Hàn Quốc còn nắm được tâm lý thận trọng của người tiêu dùng đối với hàng Trung Quốc để chiếm dần thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài có chiến lược thâm nhập thị trường rất căn cơ. Trong khi đó, một trong những vấn đề nổi cộm gần đây là “niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu Việt” có phần bị lung lay. Nhiều doanh nghiệp Việt làm ăn không minh bạch, thiếu chân chính, đã ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt. Điển hình như trường hợp một chiếc khăn hai nhãn mác của Khaisilk; hay những thương hiệu Việt càng có uy tín trên thị trường nhưng phải đối diện với mức độ rủi ro bởi nạn hàng lậu, hàng giả tạo ra những “lỗ hổng” về niềm tin của người tiêu dùng.
Để chiếm thị phần, các doanh nghiệp nước ngoài còn chủ động thực hiện nhiều chương trình thu hút và chinh phục người tiêu dùng. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, mỗi năm các doanh nghiệp Thái Lan tổ chức đến hơn 15 hội chợ tại các tỉnh thành như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… Trong khi đó, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cố gắng nhất cũng chỉ tổ chức được 10 hội chợ/năm. Hiện tại, Hội đã quá sức khi tổ chức liên tục 10 hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao trong năm bởi còn phải tập trung cho các hoạt động hỗ trợ khác cho doanh nghiệp. Vì vậy, nếu muốn tổ chức nhiều hơn thì cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Hệ thống bán lẻ nước ngoài ngày càng mở rộng
Theo bà Vũ Kim Hạnh, các doanh nghiệp nước ngoài có ưu thế rất lớn từ mạng lưới bán lẻ, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, Thái Lan có Mega Market (tên gọi cũ là Metro Cash & Carry) với 19 siêu thị; có B’smart với 75 cửa hàng tiện lợi và định hướng mở 3.000 cửa hàng; Big C có 32 siêu thị; Robinson với chuỗi siêu thị; Central Group nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim,… Nhật Bản có hệ thống đại siêu thị Aeon Mall, trung tâm thương mại Saigon Centre, hệ thống cửa hàng tiện ích Family Mart, 7-Eleven,… Hàn Quốc có hệ thống siêu thị Lotte, Emart, SG25…
Trong khi hệ thống bán lẻ ngoại xuất hiện đã nhiều thì thị trường bán lẻ phải ngày càng mở theo lộ trình các hiệp định thương mại đã ký kết, khiến các nhà phân phối ngoại càng thuận lợi hơn khi vào Việt Nam. Trước đây, khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam cũng đưa ra những rào cản về bán lẻ với các nhà đầu tư nước ngoài, như chỉ được phép cung cấp dịch vụ bán lẻ thông qua việc lập cơ sở bán lẻ (cửa hàng, siêu thị) và chỉ được chủ động mở một cơ sở; từ cơ sở thứ hai trở đi nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện về sự hiện diện của các nhà cung cấp dịch vụ trong khu vực, sự ổn định của thị trường, quy mô địa lý... mới được cơ quan chức năng cấp phép… Tuy nhiên, theo bà Vũ Kim Hạnh, các địa phương dường như không quan tâm tới vấn đề này. Tỉnh nào cũng muốn có nhà đầu tư lớn đầu tư nên dễ dàng cấp phép. Khi một siêu thị quốc tế mở ra thì những nhà phân phối ở khu vực xung quanh bị biến thành “sa mạc” khó có thể buôn bán...
Trong khi các nhà phân phối nước ngoài đang vào Việt Nam ngày càng nhiều thì hàng Việt lại chưa mạnh, chưa đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại được hỗ trợ bởi các nhà phân phối nước ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt còn gặp nhiều khó khăn từ lãi suất, thủ tục, thuế, phí, chi phí vận chuyển… khiến giá vốn tăng lên, càng giảm sức cạnh tranh. Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần được nâng đỡ nhiều hơn để đủ sức “cản” hành trình chiếm thị trường Việt của doanh nghiệp ngoại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.