Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng trăm lượt người tham quan Hoàng Thành trong 3 ngày Tết

Quang Anh| 26/01/2012 22:19

(HNMO) – Từ 23/1 tới 25/1/2012 (tức mùng 4 Tết Nhâm Thìn) hàng trăm khách du lịch nước ngoài và người Thủ đô đã vào Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (số 9, Hoàng Diệu) để tham quan di tích của Hoàng thành Thăng Long...


Với tâm tưởng hướng về cội nguồn, tiên tổ, không ít du khách vào Hoàng thành Thăng Long đã tới thắp hương tại Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long xưa (sau này là Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam - di tích lịch sử quan trọng của lịch sử hiện đại nước nhà). Thềm bậc Điện Kính Thiên có kích thước: ngang 13,7m, dọc 4,45m, cao 2,1m với đôi rồng đá khắc chạm năm 1467 là những bộ phận điêu khắc bằng đá còn khá nguyên vẹn. Đây là một tuyệt tác về nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ. Được chạm trổ bằng đá xanh, rồng đá có đầu nhô cao, đầu to, mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh, bờm lượn ra sau. Thân rồng uốn lượn mềm mại thành nhiều vòng cung, nhỏ dần về phía nền điện, trên lưng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa...


Kỳ thạch mang hình Sư tử biển


Ra khỏi Điện Kính Thiên của Hoàng Thành các du khách đã có dịp tham quan khu trưng bày hàng ngàn sản phẩm gỗ lũa, gỗ hóa thạch, mẫu đá quý… của nhà sưu tầm kỳ thạch Lê Mạnh Tuấn (người đã từng tuyển chọn 1.000 mẫu cho kỷ niệm Hà Nội 1.000 năm tuổi). Nhiều tuyệt tác của đá thiên nhiên có giá trị cao được trưng bày nơi đây đã khiến các du khách nước ngoài ngạc nhiên, trầm trồ khen ngợi. Theo ông Lê Mạnh Tuấn, ở kỳ thạch, sự hấp dẫn đầu tiên là nghệ thuật thiên tạo. Có những viên đá giống người, có viên giống những linh thú, có viên lại mang những họa tiết hoa văn cho ta liên tưởng đến một bức tranh, một nội dung mang ý nghĩa văn hóa nào đó. Màu sắc và độ trong của viên đá làm tăng tính kỳ diệu của nó. Một viên đá với góc nhìn khác nhau, dù cùng một thế (đứng hay nằm) đã cho những nội dung nghệ thuật khác nhau. Đây chính là sự lôi cuốn của kỳ thạch. Không phải bỗng nhiên người ta không dùng từ “xem đá" mà dùng từ thưởng lãm. Kỳ thạch là nghệ thuật của nghệ thuật, nó có cái đẹp về chất, về hình thiên tạo, lại mang những nội dung văn hóa, giáo dục khác nhau...


Ông Lê Mạnh Tuấn với những tuyệt tác bằng đá thiên nhiên


Mặc dù Triển lãm “Hà Nội giai đoạn 1873-1945” đã khép lại từ 31/1/2011, nhưng những bức ảnh lịch sử về Hà Nội xưa, phản ảnh quá trình chuyển biến của Hà Nội từ đô thị phương Đông sang đô thị hiện đại phương Tây được trưng bày tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội vẫn được nhiều người quan tâm. Người xem được chiêm ngưỡng các bức ảnh tư liệu có giá trị cao như Phủ Toàn quyền Đông Dương năm 1906, nay là Phủ Chủ tịch, Tòa thị chính Hà Nội năm 1897, nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Bưu điện Hà Nội năm 1924, Trường trung học Paul Bert năm 1897, nay là Trường Trung học cơ sở Trưng Vương, Chợ Lớn, nay là chợ Đồng Xuân; các phương tiện giao thông, Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám… Không ít người tỏ ra rất thích thú với những hình ảnh về Hà Nội 36 phố phường với Hàng Bạc, Hàng Ngang, Lò Rèn, Hàng Thiếc, Đồng Xuân… cùng với những khung cảnh và trang phục của Hà Nội xưa. Triển lãm do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp cùng Viện Viễn đông Bác cổ thực hiện.


Hình ảnh Phố Đồng Xuân của đầu Thế kỷ trước


Ngoài ra, khu trưng bày các di tích phát lộ của Hoàng thành Thăng Long cũ, cũng như khu trưng bày cây cảnh (phía trước Điện Kính thiên) đã lôi cuốn được sự chú ý của nhiều khách tham quan. Một khách người Nhật Bản cho biết, những di tích cổ xưa phát lộ như ở Hoàng Thành Thăng Long là hiếm có trên Thế giới và ông rất thích khi được chiêm ngưỡng những di sản như vậy tại Hà Nội…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng trăm lượt người tham quan Hoàng Thành trong 3 ngày Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.