Hàng trăm hộ dân tỉnh Lai Châu vẫn đang phải
Hàng trăm hộ dân tỉnh Lai Châu vẫn đang phải "nín thở" sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao mà chưa có giải pháp nào để đảm bảo an toàn khi mùa mưa lũ đến.
Tỉnh Lai Châu có tới 4/5 diện tích là đồi núi, địa hình chia cắt phức tạp, nhiều sông suối. Đồng bào các dân tộc thường sinh sống trên triền núi, dọc theo các bờ suối. Cứ vào mùa mưa, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh diễn biến khó lường.
Đặc biệt những năm gần đây, tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến cả tài sản và tính mạng con người. Chỉ tính riêng mùa mưa năm 2009, đã có 14 người tử vong và 7 người bị thương, chủ yếu họ gặp nạn do tình trạng sạt lở đất đá.
Điển hình như trường hợp ở xã Dào San, huyện Phong Thổ, vào tháng 7/2009. Do mưa lớn kéo dài, 3 ngôi nhà dân, bất thình lình bị một khối đất lớn từ phía trên sạt xuống, làm 3 người tử vong tại chỗ.
Để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, đầu năm 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lai Châu đã chỉ đạo các Phòng Nông nghiệp tiến hành kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư có nguy cơ cao ảnh hưởng sạt lở đất, đá, để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Qua thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu có khoảng 300 hộ dân đang sinh sống trong khu vực đã và đang có nguy cơ sạt lở cao.
Năm 2010, Lai Châu đã được Chính phủ phân bổ 6 tỷ đồng từ chương trình bố trí sắp xếp dân cư. Tuy nhiên số tiền này mới chỉ đủ để di chuyển, bố trí, sắp xếp cho hơn 30 hộ dân thuộc điểm xã Phú Đao, huyện Sìn Hồ nằm trong khu vực có vết rạn nứt hình cánh cung, có nguy cơ sạt lở cao từ năm 2009...
Tỉnh Lai Châu cũng đã vận động được trên 50 hộ dân bản Huổi Luông, huyện Phong Thổ tự nguyện góp ngày công, cùng chuyển nhà đến nơi ở mới an toàn. Song do thiếu kinh phí nên đến nơi ở mới, những hộ dân này lại gặp khó khăn vì chưa có cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.